Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ đô chưa đẹp thế bao giờ!

Thạc sĩ Võ Quốc Hiển| 02/10/2020 06:59

(HNM) - Thấm thoắt ngày nào Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà đến nay, Hà Nội đã tròn 1010 tuổi. Thủ đô với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, hòa bình, anh hùng; từng bước hội nhập và phát triển trong thời đại 4.0 đã liên tục đổi mới và không ngừng phát triển để trở thành trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, kinh tế và công nghệ của đất nước gần 100 triệu dân, để dân tộc Việt Nam hôm nay khẳng định: Thủ đô chưa đẹp thế bao giờ!

Hà Nội đang phát triển từng ngày, xứng đáng là một Thủ đô tầm cỡ và hiện đại. Ảnh: Vũ Long

Thủ đô Hà Nội và cả nước vừa tưng bừng kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 với niềm tự hào trước những thành tựu khả quan về mọi mặt trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp hành tinh. Cứ mỗi dịp tháng 10 đến - kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, trong lòng người Hà Nội lại ngân vang lời bài hát hào hùng “Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”...

Thu này, mỗi người dân Thủ đô lại bồi hồi, xao xuyến nhớ đến Bác Hồ. Chúng ta hẳn còn nhớ giọng nói thật ấm áp, nghĩa tình, tràn đầy cảm hứng của Người: Toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung, làm cho Hà Nội trở thành một Thủ đô yên ổn, vui tươi và phồn thịnh.

Qua 35 năm đổi mới, Thủ đô đã làm được phần nào những gì mà Bác Hồ kính yêu từng mong ước: Từ một thành phố nghèo và nhỏ bé, Hà Nội ngày nay - với nhãn quan nhìn xa trông rộng của lãnh đạo đất nước - đã trở thành một đô thị rộng lớn với hơn 8,05 triệu dân, kinh tế liên tục tăng trưởng tốc độ cao; cơ cấu thay đổi theo hướng công nghiệp và hiện đại hóa của thời đại 4.0 để trở thành một trong những đô thị thông minh đầu tiên của Việt Nam; diện mạo thay đổi từng tháng, thậm chí từng ngày.

Hà Nội đã có nhiều chính sách phù hợp với xu thế phát triển của một Thủ đô tầm cỡ và hiện đại.

Sự tăng trưởng kinh tế kèm theo những quyết sách đúng về an sinh xã hội, khuyến khích những điển hình thiện nguyện - nhất là trong mùa đại dịch Covid-19. Ở nhiều tuyến phố Hà Nội đã có những cây ATM miễn phí để phát khẩu trang, thực phẩm… với khẩu hiệu “Ai cần cứ đến lấy”... Những “nốt nhạc yêu thương” đó tuy nhỏ bé nhưng đã mang một ý nghĩa lớn về lòng nhân văn trong hoạn nạn, khiến cuộc sống đẹp lên biết bao.

Hà Nội đã và đang đi đầu cả nước trong việc thu hút nhân tài và vật lực để xây dựng Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Với ưu thế đặc thù là nơi tập trung hàng chục trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học danh giá nhất Việt Nam, Hà Nội không ngừng thu hút, hội tụ nhân tài. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những công dân ưu tú của Thủ đô đang ra sức cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Trong thời đại hội nhập, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra. Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

Hà Nội còn huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng liên kết. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước... 

Hà Nội đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Thành phố cũng hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh trước 2 năm và đang trồng mới thêm 600.000 cây, mang lại diện mạo đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Thủ đô đã thực hiện quyết liệt, sáng tạo Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, trong đó coi văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh mềm, trung tâm trong chính sách phát triển bền vững. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới. Cùng với đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiềm lực quốc phòng và an ninh… tiếp tục giữ vững ổn định.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế; một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, Hà Nội cũng còn những hạn chế, yếu kém về phát triển kinh tế, về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường... Tình trạng suy thoái đạo đức, phẩm chất, lối sống và tiêu cực khác trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được khắc phục triệt để.

Hà Nội đã đề ra các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 như phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.100-8.300 USD. Thủ đô phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Với việc xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, chúng ta tin tưởng Thủ đô Hà Nội sẽ thành điểm sáng trong cả nước, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội nguyện sẽ làm tất cả để ngôi sao mai rực rỡ tỏa hào quang, góp phần xứng đáng làm Việt Nam ta trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu; để rồng thiêng Thăng Long - Hà Nội cất cánh bay cao, bay xa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô chưa đẹp thế bao giờ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.