Chán môtô khủng hay những trò chơi mạo hiểm, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội tìm đến xe đạp địa hình như một thú vui mới. Không ít người mạnh tay chi hàng nghìn USD để sắm cho mình chiếc xe leo núi ưng ý.
Cuối tuần, các thành viên trong nhóm N.H.O.E có buổi dã ngoại dưới chân cầu Vĩnh Tuy hoặc phượt xa Hà Nội.
Hiện tại ở Hà Nội có gần chục câu lạc bộ của những người đam mê xe đạp địa hình hay còn gọi là MTB, đông thành viên nhất là đội MTB Hà Nội với 70 người. Nếu Lake Bike, Êmong gồm các bạn trẻ, N.H.O.E Bikes (New House Of Energy Bikes), MTB Hà Nội, Tour de 5, MTB OF chủ yếu là người đã đi làm. Trong tuần, một số nhóm có lịch đạp quanh những khu vực rộng rãi, thoáng đãng. Cuối tuần, các nhóm lên kế hoạch đi phượt xa bằng xe đạp.
Gia Huấn (22 tuổi, ở Đại La, Hà Nội), thành viên nhóm N.H.O.E, đầu tư hẳn một shop MTB chuyên phục vụ dân chơi Hà thành. Cậu cho biết mở shop vừa để có tiền nuôi đam mê vừa có thêm nhiều cơ hội học hỏi. Huấn đặt phụ tùng xe từ nhiều nước và tự tay lắp theo ý tưởng của khách. Tùy theo yêu cầu cũng như mức độ chơi của khách, Huấn sẽ độ lại để "lên đời" cho MTB. Mất khoảng 3 giờ, Huấn đã hoàn thiện một "em" MTB.
Trước đó, Huấn là dân chơi motor địa hình, tuy nhiên do môn này nguy hiểm và không phù hợp ở Việt Nam nên cậu chuyển sang nhiều thể loại và cuối cùng kết nhất MTB. Nhà có xưởng sửa xe máy nên từ nhỏ cậu đã quen với việc lắp ráp. Nhắc tới "em" MTB giá khoảng 30 triệu đồng của mình, Huấn tự hào khoe, xe đó tự tay cậu chọn lựa phụ tùng và lắp đặt cho phù hợp với kích thước cơ thể.
Theo dân chơi này, xe đạp địa hình chia làm ba dòng cơ bản: Hard tail, All mountain và Freeride - DH. Trong đó, Hard tail phổ biến nhất với mức giá vừa phải, thấp nhất tại cửa hàng là 15 triệu đồng/chiếc với tiêu chí tối thiểu: hệ thống phanh dầu thủy lực, giảm xóc trước 100 mm, dàn ghi-đông có độ rộng ít nhất 680 mm và bộ số 27 tốc độ. Loại đuôi cứng trên chỉ có giảm sóc trước dùng để chạy XC/trail (những địa hình leo và đổ nhẹ).
Khác với Hard tail, All mountain là loại sở hữu phần khung có giảm sóc sau, được dùng để chạy mọi loại địa hình và có kết cấu tốt hơn nên khá đắt. Giá mỗi xe loại này thấp nhất là 30 triệu đồng. Hiện, một "đồng đội" của Gia Huấn sở hữu chiếc MTB hiệu Dabomb Castle Bravo (Thụy Điển) giá 130 triệu đồng.
Để làm chủ loại Freeride đổ đèo với kết cấu khung siêu cứng, giảm sóc trước 180-200 mm, giảm sóc sau 200-220 mm, người chơi phải bỏ ra khoảng 8.000 USD. Huấn cho hay, hiện Hà Nội chưa ai đủ kỹ thuật điều khiển "em" này.
Cũng chung đam mê như Gia Huấn, Minh cho hay từng là thành viên của Motorcross Team, nhưng do ở Việt Nam ít sân và chơi xe máy không phát triển nên cậu chuyển sang xe đạp địa hình. Với Minh, MTB giúp cậu vượt qua nỗi sợ hãi trong... sung sướng. "Những pha đổ đèo xe sóc nẩy lên khiến người chơi hứng thú. Em thích cảm giác chiến thắng nguy hiểm trong sợ hãi", Minh chia sẻ.
Khác Huấn và Minh, Tuyền, 23 tuổi, ở nhóm Lake Bike tìm đến MTB vì thích ngắm cảnh và "không còn gì để chơi". Mới gia nhập nhóm hơn một tháng, Tuyền thấy thích thú với việc đạp xe quanh hồ mỗi tối và sáng chủ nhật cùng mọi người. Ban đầu, cựu sinh viên Cao đẳng Dược định tham gia nhóm phượt bằng xe đạp nhưng sau không thích vì quá mạo hiểm nên cậu làm thành viên của Lake Bike gồm gần 30 người.
Không chỉ nam giới, nhiều bạn nữ cũng "đắm đuối" với xe đạp. Với Nhung, 27 tuổi, xe đạp giúp cô rèn luyện sức khỏe. Các tối từ thứ hai đến thứ sáu, cô giáo dạy nhạc này lại cùng nhóm Lake Bike đạp xe quanh các hồ Hà Nội. Là thành viên nữ duy nhất trong đội, cô nàng luôn được hỗ trợ mỗi khi bị bỏ lại phía sau. Nhung tâm sự, khó khăn lớn nhất của con gái khi chơi xe là thể lực.
Các bạn nữ cũng hào hứng với MTB.
Theo các dân chơi, không ít người tậu cho mình 2-3 chiếc MTB. Minh đang đặt thêm một chiếc giá khoảng 3.000 USD còn Tuyền đang nghiên cứu chiếc tầm 4.000 USD. Chiếc xe khoảng 40 triệu đồng đang dùng, Tuyền định nhường lại cho bạn gái đạp cho khỏe người. Để nuôi thú chơi xe, Tuyền kinh doanh thêm.
Minh và Tuyền chia sẻ, tự tay tháo rồi lắp ráp và lau sửa là công việc yêu thích của các dân chơi MTB. Cảm giác hồi hộp khi chờ đợi hàng đặt từ nước ngoài về, tự tay mở ra, chụp ảnh và lắp ráp khiến người chơi mê mẩn. Thường dân chơi không thích đặt hàng nguyên chiếc từ nước ngoài vì được sản xuất theo ý đồ của nhà sản xuất. Họ sẽ đặt qua mạng các bộ phận của hãng có thế mạnh. Giá thành chiếc xe phụ thuộc vào vật liệu và công nghệ làm nên các chi tiết.
"Dòng đổ đèo, khung xe đắt nhất tầm 3.000 USD, còn giảm sóc giá 1.600-1.700 USD. Có nhãn hiệu, một chiếc yên giá 2 triệu, đôi lốp tầm hơn 1 triệu đến 2 triệu", Minh nói. Đồng bộ với xe khủng, dân chơi MTB còn phải sắm các phụ kiện đi kèm, như: găng tay, mũ bảo hiểm, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo bay...
Gắn bó với địa hình, ngoài những lợi ích như giảm cân, thư giãn, các dân chơi nhiều phen thót tim vì gặp nguy hiểm. Lần đi Tây Yên Tử mới đây khiến Huấn không thể quên. Buổi sáng, 18 thành viên trong đội đi ôtô tới chân núi rồi vác xe ngược sơn để buổi chiều đổ dốc. Cả đội phải vượt qua 12 con suối, trời đổ mưa khiến việc di chuyển và vác xe rất khó. "Lúc đổ đèo, đường trơn nên em bị ngã, người bắn khỏi xe và lộn nhiều vòng, cũng may là có đeo đầy đủ đồ bảo hiểm", Huấn nhớ lại.
Với Minh, lần ngã sau cú drop (rơi tự do) cao 4m lúc bắt đầu chơi xe đạp khiến cậu choáng váng. Chân tay bủn rủn và thoáng chút sợ, nhưng dân chơi này vẫn không có ý định bỏ cuộc. Còn việc bị ngất, bị mất nước trên đường đi phượt là chuyện thường tình. Mỗi lần thấy con đắm đuối với thú chơi "hành xác" ấy, mẹ Minh lại càu nhàu và xót xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.