Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thú chơi ra tiền!

Sơn Tùng| 15/03/2015 06:07

(HNM) - Người xưa có câu

Trong sân chùa Duệ Tú, nằm trên phố Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, hàng trăm chậu lan của các hội viên từ khắp các tỉnh, thành mang tới cùng góp mặt chung vui với Hội lan Thăng Long trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi là một sự minh chứng rõ nét cho vị thế và phong trào chơi lan bản địa. Triển lãm hoa lan với chủ đề "Hoa của đất trời, hoa của lòng người" lần thứ hai được tổ chức trong tiết trời mưa xuân nhẹ là sự kết hợp giữa không gian tâm linh truyền thống Phật giáo với nghệ thuật hoa của cuộc sống xã hội. Hội lan Thăng Long đã thành lập được 6 năm, tụ hội tất cả những người trồng và yêu lan khắp trên địa bàn thành phố. Anh Nguyễn Quang Dũng, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, một trong những chủ nhân có vườn lan quý vào loại lớn trên địa bàn thành phố cho biết: Gia đình anh còn lưu giữ và sưu tầm được cả trăm loại địa lan bản địa, chưa một loài nào bị lai tạp với các loài hoa lan Trung Quốc hoặc Thái Lan… Mỗi năm anh xuất ra thị trường 300 đến 500 chậu vào đúng dịp Tết Nguyên đán. "Hoa địa lan thuần Việt không hề phô trương, sặc sỡ như các loài địa lan có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng vẻ thanh tao, thơm mát này trinh phục được những người yêu hoa, hiểu về hoa truyền thống. Do vậy, thị trường cho hoa lan truyền thống càng ngày càng được mở rộng" - Anh Dũng khẳng định. Theo nghệ nhân Lê Quyết Bội, một trong những người trồng địa lan nổi tiếng Hà thành: Trồng, chơi lan Hà Nội rất cầu kỳ, đất trồng lan phải là đất sú lấy từ các lòng hồ lớn như hồ Tây, nắm tròn lại rồi phơi trên nóc nhà tới 2-3 năm cho tiêu hết tạp chất, cho thấm đẫm sương mai của đất trời rồi đem bóp ra, sàng cho hết cặn bụi, chỉ lấy phần đất khô xốp trên sàng. Thứ đất ấy mới cho ra những chậu lan đất Hà thành thứ thiệt, khác hẳn với các vùng lan khác.

Còn anh Nguyễn Xuân Thủy (Hội trưởng Hội Địa lan Thăng Long) đã "say" lan từ khi còn rất nhỏ. Qua nhiều năm công tác rồi về "hưu non", anh đến với nghề trồng địa lan như một thứ duyên đã hẹn từ lâu. Anh tâm sự: Chơi lan tưởng dễ hóa ra lại vô cùng kén người. Giới thiệu lan với những người không biết thưởng thức còn khó hơn chăm sóc chúng. Nhất là với địa lan, một loài hoa cần sự tinh tế mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của nó. Theo anh Thủy, người chơi địa lan trước hết cần có kiến thức thực sự về địa lan để tránh mua nhầm những cây lan không đẹp, những cây đang bị bệnh hoặc những cây không hợp điều kiện nuôi trồng. Những giống cây quý chỉ cần mua ít thân làm giống, mua đúng chỗ, đúng cây, đúng thời điểm. Với những người chơi lan, việc trao đổi giống mới với nhau là việc làm thường xuyên. Khi chậu lan quý đã trưởng thành, họ sẽ tách ra một vài thân để đổi lấy giống lan quý khác. Điều này vô cùng quan trọng trong việc chơi và sưu tầm địa lan, bởi có những người không bao giờ bán giống địa lan quý của mình mà chỉ dành để tặng, biếu những người bạn tâm giao. Các loại lan quý hiếm phải có hương, hoa phải cao vượt trên lá, hoa to, lâu tàn, hương lan xa; lá nhỏ, ngắn và mềm mại; giò hoa vươn lên uyển chuyển, thanh cao, đặc biệt là phải nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Một số địa lan được ưa chuộng như: Đại Hoàng, Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Thanh Lan, Mặc Lan, Cầm Tố, Hoàng Điểm, Ngân Biên, Bạch Ngọc, Trần Mộng… Chơi lan thú nhất là lúc được thưởng hoa. Vì thế, những ngày giáp Tết, các hội viên của Hội lan Thăng Long lại bắt đầu một mùa bận bịu. Khi có hoa nở họ lại tụ họp, trà quý, rượu ngon, rồi cùng bình phẩm, nhận xét, so sánh các loài hoa.

Chủ tịch Hội Nông dân quận Bắc Từ Liêm Lê Hữu Trí cho rằng: Từ chỗ chỉ có vài chục hộ trồng lan ở phường Liên Mạc, Thụy Phương nhưng đến nay phong trào trồng địa lan đã lan rộng ra toàn quận tới cả vài trăm hộ. Chỉ cần diện tích vườn từ 50 đến 500m2 là nông dân có thể sở hữu một vườn lan trị giá vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng, trở thành một nghề "phong lưu" hái ra tiền với những nông dân ven đô, chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi. Được biết hiện phong trào trồng, chơi lan truyền thống đang phát triển mạnh ở các quận Hà Đông, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, các huyện ven đô như Hoài Đức, Gia Lâm... các nhà vườn không chỉ khôi phục giống các loại hoa lan thuần Việt có nguy cơ bị tuyệt chủng mà còn nhân rộng, trở thành hàng hóa phục vụ nhu cầu của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú chơi ra tiền!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.