(HNMO) - Ngày 29-8, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT phối hợp Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Chủ đầu tư dự án) tổ chức thông xe cầu Mỹ Lợi (công trình giao thông trọng điểm quốc gia).
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Mỹ Hoa, nguyên Chủ tịch nước; Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT; cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố phía Nam và đông đảo bà con nhân dân trong vùng dự án đi qua.
Các đại biểu cắt băng khánh thành, thông xe cầu Mỹ Lợi. |
Rút ngắn 75km
Dự án cầu Mỹ Lợi do Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 1.450 tỷ đồng và phối hợp cùng các đối tác triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Cầu được xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng thiết kế HL93, tốc độ thiết kế 80Km/h, chịu được cường độ động đất cấp 6. Mặt cắt ngang cầu rộng 12m (2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, lan can 2 bên).
Cầu Mỹ Lợi có điểm đầu tại Km33+650 trên Quốc lộ 50 (thuộc địa phận xã Phước Đồng, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) và điểm cuối tại Km36+543 trên Quốc lộ 50 (thuộc địa phận xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Tổng chiều dài toàn tuyến dài gần 2,7km, trong đó chiều dài cầu hơn 1,4km, cầu dẫn phía Long An gần 600m và phía Tiền Giang gần 600m. Thời gian thi công 18 tháng (khởi công vào tháng 1-2014).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt chia sẻ, trước đây, Quốc lộ 50 chưa thể hoàn toàn được thông suốt, hiệu quả giao thông và sự an toàn cho người tham gia giao thông chưa được tối ưu khi vẫn còn có những nút thắt như phải di chuyển bằng phà qua sông Vàm Cỏ.
Theo ông Đạt, khi cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động, lộ trình đường bộ từ Gò Công đến TP Hồ Chí Minh được rút ngắn đáng kể, ước tính khoảng 75km, so với lộ trình qua Quốc lộ 1 và đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân, nhằm ghi nhận và biểu dương những nỗ lực không ngừng để cho dự án cầu Mỹ Lợi hoàn thành đảm bảo về mặt thời gian và chất lượng đề ra. Trong đó, 3 tập thể gồm: Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty Cổ phần Bê tông 620 Long An và Công ty Cổ phần Đầu tư cầu Mỹ Lợi.
Tỉnh Tiền Giang đi Long An chỉ 5 phút qua cầu Mỹ Lợi, thay vì đi hàng giờ qua phà. |
Thành công từ việc xã hội hóa đầu tư
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, trong giai đoạn năm 2013-2014, cả nước huy động được trên 135.000 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa phục vụ cho việc phát triển ngành GTVT, trong đó có cầu Mỹ Lợi vừa hoàn thành và thông xe. Cầu Mỹ Lợi khi hoàn thành đã phá thế độc đạo của Quốc lộ 1A và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội liên vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo ông Thể, từ dự án BOT cầu Mỹ Lợi, việc xã hội hóa đầu tư trong ngành GTVT càng khẳng định được sự hiệu quả cao, và Bộ GTVT rất hoàn ngành và biểu dương năng lực của chủ đầu tư đã kịp thời bố trí nguồn vốn và xây dựng cầu về đích đảm bảo đúng tiến độ.
Cũng theo Chủ đầu tư, cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động không chỉ có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với dân sinh và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang và Long An, mà còn có ý nghĩa góp phần quan trọng trong tăng cường, củng cố an ninh - quốc phòng.
Trao đổi báo Hànộimới, ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho hay, khó khăn nhất khi thực hiện dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, phía tỉnh Long An thì khởi công cuối năm 2013 nhưng phải tháng 7-2014 mới chỉ bàn giao được 5ha. Nếu chính xác thì từ khi có mặt bằng sạch đến khi làm xong cầu Mỹ Lợi chỉ trong vòng 1 năm.
Nguyên nhân triển khai dự án nhanh chóng, theo ông Khánh, trước hết, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt và sâu sát; thứ hai là sự nỗ lực lãnh đạo hai tỉnh Long An và Tiền Giang; thứ ba do nhà đầu tư và nhà thầu thi công đã đáp ứng mọi yêu cầu từ Ban quản lý dự án 7; và cuối cùng là sự nỗ lực không ngừng của các cán bộ, kỹ sư, công nhân viên của các đơn vị liên quan.
Từ thành công của dự án BOT này, Ban quản lý dự án 7 cho biết, kế hoạch thời gian tới, Ban quản lý dự án 7 tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt sẽ triển khai dự án xây dựng cầu Châu Đốc (tỉnh An Giang), tạo điều kiện để thông tuyến N1, từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông phục vụ cho khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương đang được đầu tư phát triển; đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác an ninh quốc phòng bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Hiện Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Theo kế hoạch dự án, dự án bắt đầu thu phí từ tháng 11-2015. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.