Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tin rừng phòng hộ đầu nguồn ở Lào Cai bị phá là chưa chính xác

Theo Vietnamplus| 17/11/2017 10:29

Những ngày gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin về việc rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, bị tàn phá nghiêm trọng.


Phóng viên đã đến huyện Văn Bàn để tìm hiểu sự việc.

Tại thôn Khe Păn, xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, chiều 15-11, phóng viên ghi nhận một số gốc cây mới bị chặt hạ. Cây lớn nhất có đường kính gốc là 47 cm, cây nhỏ khoảng 20 cm.

(Ảnh minh họa: Anh Dũng/TTXVN)



Ông Nguyễn Văn Hướng, cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Bàn cho biết​, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, đơn vị đã xác minh hiện trường và phát hiện có 7 cây ngát, cây dầu mới bị chặt. Tổng khối lượng gỗ bị đốn hạ khoảng 3 mét khối với giá trị khoảng 1 triệu đồng/mét khối.

Theo lực lượng chức năng, đây là số cây nằm trong diện tích đất rừng Nhà nước giao cho các hộ dân, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng từ năm 1997.

Tuy nhiên, theo quy định người dân muốn khai thác gỗ trên diện tích này phải làm hồ sơ, thủ tục gửi các cấp có thẩm quyền; khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, người dân mới được khai thác, số lượng gỗ khai thác cũng phải theo quy định.

Việc người dân tự ý lên rừng khai thác gỗ về làm nhà là sai quy định và việc này có một phần trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương.

Đối với vụ việc cụ thể xảy ra tại thôn Khe Păn, xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, theo lý giải của cán bộ kiểm lâm địa phương không hề có việc rừng bị tàn phá để lấy gỗ đi bán và thông tin có một “chợ gỗ” ven suối là không chính xác.

Anh Tráng A Thông, người đã khai thác gỗ rừng về làm nhà cho biết​, do thiếu gỗ xây nhà nên anh đã xin của người họ hàng là ông Lù Vảng Kho, trú cùng thôn để được chặt một số cây gỗ trên diện tích vườn rừng do gia đình ông Kho được giao quản lý.

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là xin vài cây gỗ về làm nhà, không kinh doanh buôn bán gì, không cần phải xin phép xã hay Kiểm lâm”- anh Thông nói.

Đi bộ dọc theo tuyến quốc lộ 279 kéo dài (từ Nậm Tha đi Văn Yên – Yên Bái), chúng tôi phát hiện tại một số điểm có một số mảnh gỗ đã xẻ và một gốc cây sồi có dấu hiệu mới được chặt hạ.

Riêng về số gỗ đã xẻ, ông Nguyễn Văn Hướng, cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Bàn cho biết, số gỗ đã nằm ở đó rất lâu, từ khi Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Phúc Khánh (Công ty Phúc Khánh) triển khai làm tuyến đường 279 kéo dài.

Đây là cung đường an ninh quốc phòng chiến lược đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt đầu tư. Về cây sồi bị chặt hạ, chưa xác định được ai chặt và từ ngày nào. Tuy nhiên, theo ông Hướng, cây này nằm trong hành lang giải phóng mặt bằng của tuyến đường, có thể bị chặt hạ để mở đường.

Ông Triệu Kim Dẫn, Chủ tịch UBND xã Nậm Tha cho biết, từ trước tới nay, địa phương đã làm rất tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

“Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã thành lập các tổ, đội đi kiểm tra xác minh sự việc. Về số gỗ tròn, người dân tận dụng khai thác vườn rừng của gia đình để làm nhà. Số gỗ đã xẻ, nằm ở ven suối rất lâu, thuộc khu vực giải tỏa làm đường đi Văn Yên (Yên Bái) của Công ty Phúc Khánh".

Cũng theo ông Dẫn, hiện đã xác minh được toàn bộ nguồn gốc số gỗ người dân khai thác. Ý thức của người dân về khai thác rừng trồng chưa cao. Người dân vẫn sử dụng gỗ vườn rừng để dựng nhà theo tập quán, thường ít thông qua chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết thêm, đơn vị vừa nhận được công văn hỏa tốc của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) yêu cầu xác minh những thông tin trên.

Đối với việc xử lý hành vi lấy gỗ tại Nậm Tha, ông Sâm cho biết, phải chờ kết quả xác minh cuối cùng, sau đó Chi cục Kiểm lâm Lào Cai và chính quyền địa phương sẽ thống nhất hình thức xử lý.

Tuy nhiên, ông Sâm nhận định, đây chỉ là việc một gia đình người dân lấy gỗ về làm nhà chứ không mang tính chất buôn bán hay phá rừng.

Qua vụ việc này, ông Sâm cũng thừa nhận công tác bảo vệ rừng tại Lào Cai hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do phong tục tập quán của người dân sống dựa vào rừng.

Do vậy, chỉ khi nào ý thức của người dân về bảo vệ rừng được nâng lên thì mới tránh được nguy cơ rừng bị “chảy máu”.

Ngành Kiểm lâm Lào Cai sẽ tiếp tục cùng chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin rừng phòng hộ đầu nguồn ở Lào Cai bị phá là chưa chính xác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.