(HNM) - Ngày 6-8, Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND huyện Quốc Oai và kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người dân tại các xã bị ngập, lụt trên địa bàn huyện.
Tính đến ngày 6-8, toàn huyện chỉ còn hơn 20 hộ bị ngập. Ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiến hành tổng vệ sinh môi trường. Trung tâm Y tế huyện đã thành lập 2 đoàn để khám, phát hiện sớm bệnh cho người dân tại các xã bị ngập, lụt. Đến thời điểm này, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện.
Sau khi kiểm tra thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn huyện Quốc Oai vẫn còn một số hộ bị ngập, lụt, vì vậy, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các trạm y tế hướng dẫn các hộ gia đình tổng vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh về da, mắt, phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ, nhất là giám sát chặt chẽ, không để xảy ra dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cũng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phun thuốc tiêu độc khử trùng tổng vệ sinh cả trong nhà, sân vườn và môi trường xung quanh các hộ bị ngập, lụt.
Cùng ngày, ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ khẳng định, thông tin trên mạng xã hội chia sẻ về việc hàng trăm người dân tại các xã bị ngập, lụt ở huyện Chương Mỹ bị viêm nhiễm, lở loét... là không chính xác. Thực tế qua khám sàng lọc cho gần 2.000 người dân 3 xã bị ngập, lụt ở Chương Mỹ, chỉ phát hiện gần 60 trường hợp bị đau mắt đỏ, tiêu chảy và bệnh về da liễu.
Người dân thôn Bùi Xá (huyện Chương Mỹ) rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng nhằm tiêu diệt các vi khuẩn, mầm bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ. Ảnh: Quang Thái |
* Liên quan đến tình hình úng ngập tại ngoại thành Hà Nội, tính đến 17h ngày 6-8, mực nước trên sông Bùi chỉ còn 6,15m, ở mức dưới báo động II là 0,35m; giảm 1,36m so với đỉnh lũ ngày 30-7. Trong khi đó, mực nước trên sông Tích chỉ còn 7,45m, trên báo động II là 0,25m. Tại huyện Chương Mỹ, tính đến 17h ngày 6-8 còn 486 hộ dân bị úng ngập, giảm 3.197 hộ dân so với ngày cao điểm ngập úng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện vẫn còn 4 trường học, 1 trạm y tế, 6 nhà văn hóa, 14 công trình tôn giáo bị úng ngập. Trong khi đó, đến chiều 6-8, huyện Quốc Oai chỉ còn 10 hộ gia đình có nhà cửa vẫn bị ngập.
Ngay sau khi nước rút, huyện Chương Mỹ và Quốc Oai tiếp tục huy động các lực lượng của địa phương thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; đồng thời, rà soát số hộ gia đình bị úng ngập, thống kê thiệt hại đề xuất các cấp, các ngành hỗ trợ, khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống người dân…
Cũng trong ngày 6-8, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành 69 trạm, với 226 máy bơm tiêu úng cứu lúa, giảm ngập lụt các khu dân cư… Nhờ vậy, ngày 6-8, trên địa bàn thành phố chỉ còn 2.265ha sản xuất nông nghiệp bị úng ngập, trong đó các huyện còn nhiều diện tích úng ngập là Chương Mỹ (663ha), Quốc Oai (450ha)…
* Trong ngày 6-8, nhiều đoàn công tác tiếp tục đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ nhân dân huyện Chương Mỹ và Quốc Oai bị ảnh hưởng lũ lụt. Đoàn công tác của thị xã Sơn Tây do Bí thư Thị ủy Nguyễn Quang Sơn làm trưởng đoàn đã hỗ trợ nhân dân vùng úng ngập huyện Chương Mỹ 200 triệu đồng. Cụm thi đua số 6 (gồm 5 huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín) ủng hộ 250 triệu đồng. Đoàn công tác của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội do Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn hỗ trợ 300 thùng mì tôm.
Sáng 6-8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quốc Oai phát động ủng hộ nhân dân trên địa bàn huyện bị ngập úng. Tại lễ phát động, nhiều tập thể, cá nhân đã ủng hộ nhân dân bị ngập úng. Cùng ngày, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã ủng hộ nhân dân vùng bị ngập lụt 720 triệu đồng; cá nhân bà Mai Liên (là người dân huyện Quốc Oai) hỗ trợ 10 tấn gạo...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.