Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tin cần biết về quyết định công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ

B.Hân| 01/02/2020 18:10

(HNMO) - Ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg công

bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Việc công bố dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Phát khẩu trang miễn phí cho hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh gì?

Ngày 29-1, Bộ Y tế đã có Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. 

Tại Quyết định công bố dịch, Thủ tướng Chính phủ đã xác định về mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người.

Theo quy định tại Điều 3, Chương I, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Phun thuốc phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới vi rút corona (nCoV) tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) trong sáng 1-2. Ảnh: Quang Thái.

 Điều kiện công bố dịch

Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch được thực hiện theo quy định của Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 28-1-2016, quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định. 

Vào sáng 1-2, căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn Luật này, trên cơ sở công bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng liên quan đến bệnh truyền nhiễm do chủng mới của nCoV của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 31-1 và theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Bộ Y tế đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm tại tỉnh Khánh Hòa.

Trên cơ sở đó và thực tế các trường hợp nhiễm nCoV ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Như vậy, quyết định công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ và các bộ ngành chuẩn bị sẵn sàng cho việc công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh trong trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.

Thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh

Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trường hợp đòi hỏi phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình thẩm định và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết này.

Người mắc bệnh dịch hoặc phát hiện trường hợp mắc bệnh thì khai báo ra sao?

Điều 47, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về khai báo, báo cáo dịch nêu, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho UBND nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc, ngày 31-1, WHO đã tuyên bố dịch viêm phổi do nCoV là “sự kiện y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu” (PHEIC). Đây là lần thứ sáu PHEIC được tuyên bố. Từ trước tới nay, đã có 5 lần PHEIC được tuyên bố kể từ năm 2006 khi Điều lệ Y tế Quốc tế - IHR (2005) có hiệu lực, bao gồm: Đại dịch cúm H1N1 (năm 2009); Bại liệt (năm 2014); Ebola tại Tây Phi (năm 2014), Zika (năm 2016) và Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Công gô (năm 2019).

Theo thông tin từ Bộ Y tế nước ta, tính đến 17h30 ngày 1-2, số người mắc bệnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV trên thế giới là 12.022 trường hợp, trong đó có 259 người tử vong. Việt Nam đã có 6 trường hợp mắc nCoV, trong đó có hai cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với hai cha con người Trung Quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông tin cần biết về quyết định công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.