(HNM) - Tại hội nghị định hướng đầu tư lĩnh vực dược đến năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức ngày 26-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, thuốc sản xuất trong nước năm 2009 đạt mức 831,250 triệu USD, đáp ứng được 40,01% nhu cầu sử dụng thuốc của người dân.
Ngành dược đang hướng tới đầu tư sản xuất các nhóm thuốc có tỷ lệ sử dụng lớn, thuốc chuyên khoa... Mặc dù những con số trên tăng cao so với các năm trước đó nhưng theo nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị, việc đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn chưa tập trung vào lĩnh vực trọng tâm và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành.
Khách hàng mua thuốc tại một cửa hàng trên phố 8-3. Ảnh: Dương Thủy
Đơn điệu nhóm thuốc "nội"
Theo TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua ngành dược đã có cơ hội đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhân tố quan trọng dẫn đến sự thông thoáng ấy là việc đi vào đời sống của 5 bộ luật quan trọng, bao gồm Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Dược đã được Quốc hội thông qua. Hiện nay, cả nước có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, bao gồm cả thuốc hóa dược và thuốc có nguồn gốc từ dược liệu. Năm 2009, đã có 98 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt), trong đó có 28 nhà máy được thành lập từ vốn đầu tư của tư nhân trong nước (chiếm 28,6%), 23 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), chiếm 24,5%, còn lại là các doanh nghiệp cổ phần hóa. Với hệ thống nhà máy này, Việt Nam đã có đủ khả năng sản xuất vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng; đủ nhóm thuốc tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Mặc dù vậy, so với yêu cầu thực tế, năng lực sản xuất thuốc trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu.
Hiện nay, trên 90% số nguyên liệu dùng cho sản xuất thuốc ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, trong khi nguồn dược liệu trong nước lại không được phát huy một cách hiệu quả. Mặt khác, các đơn vị sản xuất trong nước mới chỉ sản xuất được 234 loại hoạt chất trong khi nhu cầu điều trị cần tới hơn 1.500 loại. 90% thuốc "nội" là thuốc điều trị các bệnh thông thường (nhóm thuốc hạ nhiệt, giảm đau, kháng sinh, kháng viêm…). Với một số nhóm thuốc quan trọng như gây mê, giải độc đặc hiệu, chống ung thư và thuốc tác động vào hệ miễn dịch, chế phẩm máu... thì các đơn vị trong nước chưa sản xuất được. Lượng vắc xin phục vụ cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân (tiêm dịch vụ) phải nhập khẩu với số lượng lớn (mức nhập khẩu trong năm 2009 là 59,6 triệu USD). Thuốc nhập khẩu vẫn chiếm tỷ lệ gần 60% so với số thuốc cần cho nhu cầu sử dụng, tập trung ở các loại biệt dược, thuốc chuyên khoa đặc trị.
Cần có quy hoạch tổng thể
Nhìn nhận về những hạn chế của chính sách đầu tư trong lĩnh vực dược, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và thực hiện được cả 3 mục tiêu: y tế, kinh tế, xã hội. Môi trường đầu tư cũng chưa thuận lợi do cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị chưa phát triển kịp yêu cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không quan tâm đúng mức đến những quy định pháp lý có liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh nên không kịp thời tham vấn hay kiến nghị chủ trương chính sách phù hợp để bảo vệ quyền lợi. Do chưa có quy hoạch đầu tư tổng thể nên các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm. Nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc trùng lặp với các hoạt chất thông thường và những loại này được đăng ký sản xuất quá nhiều trong khi nhóm thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị gần như chưa có số đăng ký… Bên cạnh đó, nhân lực để phục vụ cho các dự án đầu tư có quy mô lớn hiện cũng đang thiếu trầm trọng.
Thảo luận để giải quyết những vướng mắc của ngành, các đại biểu đã đề xuất Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại để sản xuất thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, biệt dược, thuốc để thay thế thuốc nhập khẩu. Sự khuyến khích được thể hiện qua những quy định mang tính ưu tiên trong cơ chế đấu thầu; xây dựng cơ chế ưu đãi thuế nói chung và thuế đất nói riêng nhằm khuyến khích các cơ sở đầu tư xây dựng vùng trồng và chế biến một số dược liệu có quy mô lớn. Bộ Y tế cũng chủ trương quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu; đầu tư xây dựng các dây chuyền sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế công nghệ cao; tăng nguồn cung ứng thuốc để cân bằng "cung - cầu" thị trường dược phẩm…
Những chủ trương lớn đã được xác định rõ ràng trong khuôn khổ một hội nghị quan trọng. Nếu chủ trương, giải pháp nói trên được cụ thể hóa, được thực hiện quyết liệt thì mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược đến năm 2020 (trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với việc sản xuất, cung ứng 80% tổng số tiền thuốc tại Việt Nam, bảo đảm 40% số thuốc sản xuất trong nước có nguồn gốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền) sẽ trở thành hiện thực.
Để ngành dược phát triển mạnh hơn nữa, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành y tế và các bộ, ngành liên quan cần điều tra quy mô toàn quốc nhu cầu sử dụng thuốc của thị trường để đưa ra những dự báo về vấn đề này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất những loại thuốc thị trường cần và cũng tránh được tình trạng liên kết tăng giá thuốc bất hợp lý…; đưa ra được những chính sách thu hút đầu tư cụ thể đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành dược về vốn, đất, trong đó chú trọng công nghệ hóa dược… Vấn đề hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư vào sản xuất bao bì dược và trang thiết bị phục vụ phát triển ngành dược cũng cần được các bộ, ngành lưu ý. Phó Thủ tướng nhấn mạnh "việc kết hợp công tư trong hình thành cơ quan kiểm định và thử nghiệm tương đương sinh học về thuốc, vắc xin sẽ giúp cho thuốc, vắc xin của Việt Nam khẳng định được chất lượng của mình. Đây chính là mấu chốt để khi thực hiện cuộc vận động người Việt dùng thuốc Việt sẽ thu được kết quả như mong muốn". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.