Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thống nhất các ưu tiên trong Khung Chương trình quốc gia việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026

Mai Hoa - Phương Thanh| 28/03/2023 17:48

(HNMO) - Chiều 28-3, tại 12 Ngô Quyền (Hà Nội), lễ ký kết Khung Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 đã được tổ chức.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ký kết tại chương trình.

Đây là lần thứ tư khung chương trình hợp tác về việc làm mang ý nghĩa quan trọng này được ký kết (chu kỳ hợp tác trước cho giai đoạn 2017-2021), kể từ khi Việt Nam gia nhập trở lại ILO vào năm 1992. 

Trong khuôn khổ chương trình, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và ILO Việt Nam đã cùng ký kết vào Bản ghi nhớ của Khung Chương trình quốc gia việc làm thỏa đáng, đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, bảo đảm quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Khung hợp tác này là công cụ quan trọng để ILO và các đối tác ba bên sử dụng lập kế hoạch hợp tác hằng năm và huy động các nguồn lực một cách hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy mục tiêu việc làm thỏa đáng và bền vững tại Việt Nam. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu lên một số hoạt động ưu tiên trong thời gian tới, bao gồm: Tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ các dự án sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm trong bối cảnh mới; Hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045; Hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu phê chuẩn một số công ước của ILO, trong đó có Công ước 87, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế về lĩnh vực lao động - xã hội trong thời kỳ mới; Nâng cao năng lực và khả năng hội nhập quốc tế về lao động và xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và chúng ta đang hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm chuyển đổi công bằng và bền vững. 

Việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác này cần phải có tham vấn ý kiến rộng rãi và sự tham gia tích cực của các đối tác ba bên, với phương châm đoàn kết, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả cao nhất.

Giám đốc ILO Việt Nam, bà Ingrid Christensen bày tỏ tin tưởng với sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội, cùng với những hỗ trợ kỹ thuật của ILO, Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 sẽ được triển khai và giám sát hiệu quả ở cả cấp quốc gia và địa phương. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất các ưu tiên trong Khung Chương trình quốc gia việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.