Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thống đốc nói về việc mở van tín dụng bất động sản

Thanh Hương| 11/04/2012 13:43

(HNMO)-Cuối giờ chiều 10/4, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra giải pháp điều hành và tín dụng trong thời gian tới, trong đó điểm nổi bật là nhiều nhóm đối tượng vay vốn được đưa ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích cho vay.


Trước hết, đối với lĩnh vực bất động sản Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này không vượt quá 16 %. Tuy nhiên, loại trừ dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn để Xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công của khách hàng vay; xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị.

Giải thích lý do nới tín dụng bất động sản tại buổi họp báo diễn ra sáng 11/4, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, bất động sản là lĩnh vực rộng. Dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này không cao, chỉ trên dưới 10% nhưng dư nợ đảm bảo bằng bất động sản lại rất lớn, tới gần 60%. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, lạm phát đã từng bước được kiềm chế nên từng bước tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, trước mắt là về nhà ở. Nhất là hiện nay mặt bằng giá nhà ở đã về mức hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.
;

Nhiều đối vay vốn thuộc lĩnh vực bất động sản
được nới tín dụng


Người đứng đầu cũng kỳ vọng, nếu mở van tín dụng lĩnh vực này sẽ không chỉ giúp các dự án nhà ở bán được mà còn giúp giải phóng hàng tồn kho của các lĩnh vực khác như sắt thép, xi măng và tạo công ăn việc làm, bởi nguồn vốn được chu chuyển trong nền kinh tế; đồng thời nợ xấu của ngân hàng cũng giảm.

Riêng với tín dụng cho chứng khoán, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là vẫn không khuyến khích. Chính vì vậy NHNN yêu cầu kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán, không quá 16% tổng dư nợ tín dụng, trong đó chỉ loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần.

Theo giải thích của Thống đốc, vốn của ngân hàng là ngắn hạn, không thể cho vay nhiều để đầu tư chứng khoán-kênh huy động vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, “không cần vốn từ ngân hàng thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ tăng trưởng được do thừa hưởng những yếu tố tích cực từ nền kinh tế như lạm phát được kiềm chế và lãi suất giảm. Vì vậy, thị trường chứng khoán có thể không tăng điểm nhanh nhưng sẽ phat triển bền vững thời gian tới.”-Người đứng đầu NHNN tin tưởng.

Ngoài ra, với cho vay tiêu dùng, loại trừ dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn: Xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; mua phương tiện đi lại; mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập và chữa bệnh trong nước.

Nói về nợ xấu, Thống đốc cho biết, nợ xấu có chiều hướng tăng lên. Đầu năm nợ xấu khoảng 3,2% nhưng đến nay là khoảng 3,6%; đối với một số tổ chức thì con số còn cao hơn. Chính vì vậy mà NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thống đốc nói về việc mở van tín dụng bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.