(HNM) - Những hình ảnh rợn người (xích chó, dao, búa, bộ quần áo tả tơi, nồi thủng…) trong triển lãm
Qua triển lãm đặc biệt này, một lần nữa các tổ chức trong nước, quốc tế về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) gửi thông điệp kêu gọi phụ nữ Việt Nam tự bảo vệ mình, làm chủ cuộc sống.
Khách tham quan triển lãm “Nước mắt cười”. |
Hàng trăm hình ảnh, hiện vật tại triển lãm "Nước mắt cười", do người trong cuộc cung cấp hoặc do các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam (Mạng lưới phòng chống BLGĐ - DOVIPNET; Mạng giới và phát triển cộng đồng - GENCOMNET và Mạng lưới hành động vì phụ nữ - NEW) thu thập, đã "kể" câu chuyện về cuộc đời đầy bất hạnh, cam chịu của những người phụ nữ từng bị chồng bạo hành. Đó là bằng chứng sống động, có tác dụng lên án hành vi bạo lực dã man của những người chồng vũ phu. Tác phẩm "Cái xích chó" kể câu chuyện của chị T ở quận Cầu Giấy - Hà Nội. Chị T bộc bạch: "Bị chồng đánh bao nhiêu lần, tôi không nhớ nữa. Đến khi sức khỏe của tôi quá kém, không thể chịu đựng thêm những trận đòn của chồng, tôi muốn ly hôn. Sau mỗi lần đề nghị, người chồng độc ác lại đánh tôi “thừa sống thiếu chết”, dùng chiếc xích chó để xích tôi lại và bỏ đi".
Với đức tính cam chịu, chị T, thành viên của CLB "Cùng chia sẻ" ở thị trấn Yên Viên (Gia Lâm - Hà Nội), cũng là nạn nhân của BLGĐ trong suốt 22 năm. Quãng đời đen tối kéo dài của chị T được "phác họa" phần nào qua bức ảnh "Cái búa khó quên", ngụ ý nhắc nhở chị em phụ nữ đừng bao giờ cam chịu, nhẫn nhịn trước thói vũ phu của chồng. Chị T kể: "Hơn 20 năm qua tôi bị bạo lực cả về thể xác và tinh thần. Có một lần, khi tôi đang cho lợn ăn thì anh ấy uống rượu say về. Chồng tôi chửi bới, xông vào chuồng lợn bóp cổ tôi, dìm đầu tôi xuống chuồng lợn. Khi thấy con tôi kêu cứu, chạy đi gọi ông bà, anh ta vớ cái búa và dùng nó đập vào đầu tôi. May mà bố mẹ chồng tôi đã sang kịp"…
Không phải chịu quá nhiều vết thương trên cơ thể nhưng chị L (Tân Lạc - Hòa Bình) lại có vết thương lòng đau đớn. Hình ảnh bộ váy Mường đẹp đẽ bị băm nát được giới thiệu tới công chúng chính là cách mà chồng chị dùng để cảnh báo vợ "không được láo, không được cãi". Hành động này khiến chị L có cảm giác "mình như một thân cây chuối bị sâu ruột, đổ ụp xuống. Tối tăm, chao đảo". Trong một hình ảnh khác, một phụ nữ giấu tên cho biết: "Tôi không biết làm gì ngoài im lặng. Tôi rối bời, khổ đau không chỉ vì những câu chửi, nhát phang của anh ta mà còn cả vì chuyện ấy nữa. Anh khiến tôi sợ hãi, tủi nhục vô cùng sau mỗi lần vợ chồng gần gũi. Có hôm mệt, tôi tỏ ý từ chối, anh đấm không tiếc tay vào mọi chỗ, lao đến cưỡng dâm, tôi đau đớn rã rời. Chưa hả, anh dùng dùi gỗ chọc vào chỗ hiểm, tôi gào khóc, cố bò lê ra cửa kêu cứu"…
Cùng với những hình ảnh lên án sự vô tâm, độc ác của người chồng, nụ cười của những người phụ nữ biết gạt đi nước mắt, làm chủ cuộc sống cũng đã được giới thiệu đến công chúng. Bên cạnh nụ cười muộn màng này, sản phẩm sáp nến nhiều màu sắc do những người phụ nữ bị bạo hành làm ra được đặt ở vị trí trung tâm, nhắn gửi lời động viên tới những người phụ nữ đã và đang bị bạo hành, giúp họ có thêm niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng. "Đây không còn là tiếng nói của từng cá nhân đơn lẻ, mà là tiếng nói của cả một cộng đồng phụ nữ bị BLGĐ, là lời kêu gọi cả xã hội chung tay bảo vệ phụ nữ, chống bất bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ", bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Mạng lưới phòng chống BLGĐ nhận định. Từ kinh nghiệm khảo sát thực tế, bà Nguyễn Vân Anh cho rằng: "Khi phụ nữ hé mở những bí mật của cuộc sống, cả hạnh phúc và bất hạnh, đó là khi họ đang tiến đến tự do. Dũng cảm chia tay với đau thương, sai lầm, dám sống với khát vọng là cách giúp phụ nữ vững vàng hơn trước sóng gió cuộc đời".
Với những ý nghĩa ấy, "Nước mắt cười" thực sự là một triển lãm nhân văn, là biện pháp tuyên truyền phòng chống BLGĐ hữu hiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.