(HNMO) - Ngày 9-11-2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ năm, đợt 2 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tham gia Đoàn Chủ tịch có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp) và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội dành cả ngày để chất vấn các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về việc xây dựng Luật Hành chính công.
Tại phiên họp có 44 đại biểu chất vấn, 13 đại biểu tranh luận, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn về những lĩnh vực sau:
- Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Các đại biểu tập trung chất vấn về vấn đề tự chủ đại học; về việc bỏ các chứng chỉ liên quan đến viên chức; về nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số; về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số…
- Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông: Các đại biểu tập trung chất vấn về việc chuyển đổi số quốc gia và quản lý nhà nước nhằm triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia; về xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa; cơ sở dữ liệu dùng chung; các giải pháp để đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận, sử dụng và hưởng lợi từ chương trình chuyển đổi số quốc gia; việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng và vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng…
- Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Các đại biểu tập trung chất vấn về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; về phát triển cây ăn quả vùng núi; phát triển giống cây trồng (macca); chiến lược đưa giống cây trồng và vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; các giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung sớm có chỗ ở mới và ổn định cuộc sống sau bão lũ; về xây dựng bộ phận chuyên trách khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, thiên tai, lũ lụt; đầu tư nguồn lực cho công tác cứu hộ cứu nạn và phòng, chống thiên tai; về phát triển hạ tầng thủy sản, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão; các giải pháp cải thiện giá trị và phát triển khả năng cạnh tranh của ngành hàng cá tra; giải pháp tháo gỡ nhanh thẻ vàng của châu Âu trong ngành thủy sản; việc nghiên cứu sản xuất vắc xin Dịch tả lợn châu Phi; xây dựng các cơ sở vùng an toàn dịch bệnh đối với động vật; giải pháp thúc đẩy hoạt động của hợp tác xã; về phê duyệt và triển khai thực hiện dự án đê Hữu Đáy, Tả Bùi qua địa phận Thanh Oai, Chương Mỹ (Hà Nội)…
- Đối với lĩnh vực công thương: Các đại biểu tập trung chất vấn về Quy hoạch điện VII, quy hoạch điện VIII; về thủy điện Đắk Mi, Đà Nẵng; giải pháp hữu hiệu đối với công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
- Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: Các đại biểu tập trung chất vấn về việc bố trí kinh phí cho các dự án gia cố đê xung yếu và công trình dưới đê; về đầu tư hệ thống kè biên giới; việc điều chỉnh nguồn vốn từ công trình trọng điểm quốc gia sang đầu tư cho các công trình ứng phó biến đổi khí hậu; về việc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông để kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề ưu tiên bố trí vốn cho một số dự án thuộc diện cấp bách về quốc phòng, an ninh giao thông, thủy lợi và hạ tầng thiết yếu…
- Đối với lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải: Các đại biểu chất vấn về vấn đề tồn tại và giải pháp khắc phục quy hoạch treo; điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển quy hoạch; nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm đối với công tác quy hoạch đô thị; về cải tạo quốc lộ 6 nối Hòa Lạc - Hòa Bình với các tỉnh Tây Bắc; về thực trạng đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang…
- Đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường: Các đại biểu tập trung chất vấn về việc chiếm dụng, sử dụng và sang nhượng bất hợp pháp các bãi biển đẹp; việc áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đáy, sông Nhuệ; vấn đề an toàn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long…
- Đối với lĩnh vực xây dựng pháp luật, hoạt động tư pháp: Các đại biểu tập trung chất vấn về công tác cải cách thủ tục hành chính; kiểm tra, rà soát văn bản của các bộ, ngành; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về giám đốc thẩm; tình trạng xin lùi, xin rút Luật ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; việc người đại diện UBND không tham gia hòa giải, không đến dự phiên tòa làm cho án hành chính chậm được xử lý; giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về giám đốc thẩm; thời hạn giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh thương mại; về bất cập trong việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
- Đối với lĩnh vực nội vụ: Các đại biểu tập trung chất vấn về tổ chức sắp xếp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; về tự chủ đại học; về việc ghép cơ học các điểm trường lẻ; về sáp nhập tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, trong đó có sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện; về chế độ bồi dưỡng cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; về trật tự, kỷ cương, kỷ luật hành chính các cơ quan nhà nước; về thực trạng hệ thống quản lý nhà nước về thú y cơ sở; về tình trạng tham nhũng; giải pháp ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc…
- Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, y tế: Các đại biểu chất vấn về thực trạng và vai trò quản lý nhà nước đối với vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội (như cha con giết nhau, xâm hại phụ nữ trẻ em, bạo lực học đường…); thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để phát triển du lịch…
- Đối với lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội: Các đại biểu chất vấn về sắp xếp, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; giải pháp phát triển nguồn nhân lực; việc tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19…
- Đối với lĩnh vực tài chính: Các đại biểu chất vấn về việc áp dụng chi ngân sách nhà nước trong phát triển khoa học, công nghệ…
- Đối với lĩnh vực quốc phòng và an ninh: Các đại biểu chất vấn về giải pháp đối với tình trạng sử dụng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ chất ma túy; văn bằng, chứng chỉ giả…
- Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung chất vấn về một số vấn đề khác như: Lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến; việc thực hiện Quyết định số 1380 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính; việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ và các giải pháp để tăng cường việc thực hiện lời hứa; việc sửa Luật Thuế để điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón…
Thứ ba, ngày 10-11-2020:
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.