Chẳng biết xã Tàm Xá ( huyện Đông Anh) có phải là nguyên mẫu trong thơ “Người nhà quê” của Nguyễn Bính không, nhưng thực tế, bà con ở đây sinh sống theo hai cụm dân cư, với tên gọi dân dã thôn Đông, thôn Đoài. Trai gái hai làng bén duyên nhau tha thiết và chắc chắn là có chuyện “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào”...
Chẳng biết xã Tàm Xá ( huyện Đông Anh) có phải là nguyên mẫu trong thơ “Người nhà quê” của Nguyễn Bính không, nhưng thực tế, bà con ở đây sinh sống theo hai cụm dân cư, với tên gọi dân dã thôn Đông, thôn Đoài. Trai gái hai làng bén duyên nhau tha thiết và chắc chắn là có chuyện “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào”...
Tàm Xá nằm dọc triền sông Hồng, với hơn 4 ngàn người, gần ngàn hộ, chủ yếu sống bằng nghề nông. Giống như mọi miền quê khác, Tàm Xá cũng thăng trầm, gian khó và vinh quang. Nhưng vượt lên tất cả là tình yêu quê hương, đức cần cù và quyết tâm sáng tạo, làm giàu cho mình và cho thôn xóm. Vẫn triền sông ấy, vẫn ruộng lúa, vạt rau ấy, nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Những hộ có thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm ngày càng tăng. Đến nay, toàn xã có 218 hộ giàu và không còn hộ nghèo. 6 năm liên tục gần đây, Đảng bộ xã đều đạt trong sạch vững mạnh, các đoàn thể quần chúng hoạt động có hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia…
Nét nổi bật của Tàm Xá là xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Theo cán bộ lãnh đạo của xã thì Tàm Xá đã được công nhận là “Làng nông thôn mới” và đang phấn đấu trở thành “Vùng nông thôn văn hóa”. Ai đã một lần đến Tàm Xá trong những năm gần đây, thì đều tin tưởng quyết tâm này sẽ thành hiện thực. 5 năm qua, không chỉ phát triển kinh tế, Tàm Xá luôn quan tâm và tích cực thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát huy nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc thôn Đông, thôn Đoài. Mà muốn làm được điều này, thì một nguyên tắc “xưa như trái đất” vẫn đúng, ấy là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Còn nhớ giai đoạn đầu phát động thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và công việc đầu tiên triển khai là nhân dân đóng góp bê tông hóa đường liên thôn, liên xóm. Chủ trương rõ ràng, mọi việc đều công khai, nhưng nhiều hộ chưa nhận thức đầy đủ vẫn khăng khăng “ai bê tông thì bê tông, đường trước cửa nhà tôi cứ để thế, khi nào có điều kiện tôi sẽ tự bê tông (!?)…”. Số hộ như thế không nhiều, đường vẫn được cải tạo, nâng cấp, nhiều nhà noi gương cán bộ, đảng viên trong xã, tự nguyện dịch hàng rào, chặt dăm ba cây, giao cả chục mét vuông đất để con đường thôn xóm thêm rộng, thêm đẹp. Cả làng, cả xóm nô nức như thế, cán bộ xã, thôn hết lòng tận tụy như thế, chẳng ai không theo. Kết quả là 100% đường làng, ngõ xóm của Tàm Xá được bê tông hóa, được đánh số nhà, được ghi tên ngõ đầy đủ, thống nhất. Việc bê tông hóa đường thôn xóm thì Tàm Xá hoàn thành đầu tiên của huyện Đông Anh, còn đánh số nhà, ghi tên ngõ thì là xã sớm nhất của thành phố.
Từ chuyện làm đường, nhiều cuộc vận động xây dựng hạ tầng, giữ gìn vệ sinh môi trường sau đó đều “thông đồng bén giọt”. Cả xã có 305 /972 hộ đã xây dựng bể khí sinh học để xử lý chất thải, tạo chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. 100% học sinh trong độ tuổi đều đến trường, được xây dựng khang trang và không phải học ba ca trong ngày. Xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế ; tỷ lệ sinh giảm 2,5%...
Mọi việc của Tàm Xá đều thành công bởi ở đó có Đảng bộ, chính quyền và những cán bộ, đảng viên luôn chăm lo cuộc sốngcho gia đình mình và cho bà con làng xã. Mọi người thường nhắc đến ông Lê Đức Đảng như là tấm gương sáng trong số cán bộ, đảng viên của xã. Là một cựu chiến binh, giờ đã ở tuổi 72, nhưng từ khi nghỉ hưu và nhất là 5 năm gần đây, ông Lê Đức Đảng đều dành công sức, tâm huyết cho việc làng, việc xã. Tối đến, khi mọi người nghỉ ngơi, ông mới bắt đầu công việc của mình. Ông đến từng nhà tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia xây dựng thôn xóm, giữ gìn truyền thống quê hương. Ông còn chủ động an ủi những gia đình có chuyện buồn, giúp đỡ nhà có khó khăn… Một người chân tình, tận tụy, coi việc nhà người, việc chung như việc nhà mình như thế, nên ai cũng nể ngại, kính trọng ông. Mọi người nghe theo, làm theo những cán bộ như thế…
Đến thôn Đông, thôn Đoài hôm nay, người ta cảm nhận rõ ràng, đầy đủ về sự phát triển ngoại thành theo Chương trình công tác của Thành ủy khóa XIII - một nông thôn trong giai đoạn CNH, HĐH - một nông thôn Hà Nội văn hiến, anh hùng và đang vươn tới văn minh, hiện đại.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.