Những năm gần đây, dệt may luôn có mức tăng trưởng ấn tượng và là một trong những ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, làm thế nào để chiếm lĩnh “sân nhà” vẫn là một thách thức lớn của ngành dệt may.
Trên thị trường trong nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu thời trang may mặc nổi tiếng của nước ngoài. Câu hỏi đặt ra ở đây là các doanh nghiệp dệt may của ta không đủ năng lực để thiết kế và sản xuất các sản phẩm thời trang cao cấp hay có nguyên nhân nào khác?
Dây chuyền may complete của May 10. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN) |
Gần đây, Tổng công ty May 10 đã liên tiếp khai trương bốn cửa hàng mới tại Hà Nội nhằm giới thiệu với người tiêu dùng bộ sưu tập các sản phẩm thời trang cao cấp mang thương hiệu Eternity GrusZ.
Ông Thân Đức Việt - Giám đốc điều hành của May 10, cho biết Tổng công ty May 10 đưa ra dòng hàng cao cấp này là bước phát triển tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, hướng tới tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình khá trở lên.
Bộ sưu tập của sản phẩm thời trang Eternity GrusZ gồm nhiều chủng loại sơ mi, quần âu, veston… với các phụ kiện thời trang cao cấp khác như thắt lưng, ví da, cravat, cúc trang trí...
Tiêu chí hàng đầu của Eternity GrusZ là chất lượng, kiểu dáng được thiết kế từ nỗ lực, trí tuệ của những nhà thiết kế, tạo mẫu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, sản phẩm cũng nổi bật khi được làm bởi các nguyên phụ liệu tốt nhất của các nhà cung cấp nổi tiếng trên thế giới và được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, với các thiết bị tiên tiến được nhập khẩu từ Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức và Mỹ.
Bước đầu sản phẩm đã được người tiêu dùng lựa chọn thay cho hàng ngoại, bởi vì GrusZ không chỉ đáp ứng các yêu cầu về chất liệu, kỹ thuật may, kiểu dáng mà còn được chăm chút trong khâu bán hàng, chăm sóc khách hàng.
Với quy mô, kinh nghiệm sản xuất lâu năm cả về hàng xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, Tổng công ty May 10 quyết định đột phá để từng bước chiếm lĩnh phân khúc hàng thời trang cao cấp.
Trước đó, Tổng công ty may Việt Tiến cũng đã mạnh dạn nghiên cứu và đầu tư thiết kế nhóm sản phẩm thời trang doanh nhân San Sciaro với định hướng xây dựng thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế dành riêng cho những “người đứng đầu.”
Việc mở rộng hệ thống phân phối, theo đuổi chiến lược đa thương hiệu phục vụ các phân đoạn tiêu dùng trong nước khác nhau và hướng đến xuất khẩu thương hiệu là một định hướng chiến lược lâu dài của Tổng công ty trong xu thế hội nhập quốc tế và thời trang hoá ngành dệt may Việt Nam.
Từ đầu năm 2008, Việt Tiến đã tung ra thị trường hai thương hiệu thời trang nam mới, sang trọng và đẳng cấp dành riêng cho giới doanh nhân và nhà lãnh đạo là San Sciaro mang phong cách Italy và Manhattan mang phong cách Mỹ (trong đó thương hiệu Manhattan do tập đoàn Perry Ellis International và Perry Ellis International Europe của Mỹ nhượng quyền kinh doanh cho Việt Tiến tại Việt Nam).
Đến nay Việt Tiến đã có hệ thống 22 cửa hàng chuyên bán sản phẩm mang thương hiệu Sanciaro và Mahattan.
Ông Bùi Văn Tiến - Tổng giám đốc Tổng công ty may Việt Tiến, cho biết: "Bước đi này đã được Việt Tiến thực hiện từ cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã nhượng quyền thương hiệu của Pierre Cardin, mượn đôi cánh của họ để nâng tầm thương hiệu Việt. Sau khi chuyển sang giai đoạn hai, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu đúng nghĩa Việt Nam, mang bản chất cơ cấu hàng nội địa, cơ cấu nguồn lực trong đất nước của chúng ta."
Việc đầu tư xây dựng hai thương hiệu thời trang cao cấp này là bước đi mạnh mẽ của một doanh nghiệp may mặc hàng đầu Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của phân khúc thị trường tiêu dùng cao cấp này, mà nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng của quốc tế đang lần lượt xâm nhập Việt Nam như Valentino Rudy, Pierre Cardin, Bonia, Alain Delon Arrow.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đánh giá cao việc các doanh nghiệp dệt may sản xuất hàng cao cấp là một trong những giải pháp hữu hiệu để các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may Việt Nam.
Dù là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu dệt may nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa xây dựng được những thương hiệu sản phẩm đủ mạnh ở trong nước cũng như xuất khẩu. Sản xuất theo phương thức gia công, mỗi sản phẩm xuất khẩu có giá thu về rất nhỏ, chỉ được vài USD...
Trong khi đó, nếu doanh nghiệp tập trung phát triển thương hiệu, bán sản phẩm có thương hiệu thì giá trị kinh tế thu được của mỗi sản phẩm sẽ lớn hơn rất nhiều. Đây là điều rất khó đối với doanh nghiêp Việt Nam bởi vì đầu tư vào thương hiệu là cả quá trình, tâm huyết của người quản lý, tay nghề của người công nhân, hệ thống quản lý công nghệ.
Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải có bước đi kiên trì. Việc các doanh nghiệp dệt may trong nước lần lượt cho ra mắt các dòng sản phẩm thời trang cao cấp cho thị trường nội địa được đánh giá là sự đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.