Môi trường

Thời tiết Đà Nẵng những ngày tới tiếp tục diễn biến phức tạp

Hải Vân 17/10/2023 19:55

Những ngày qua, người dân vùng “rốn lũ” Đà Nẵng đã rất vất vả vì phải nhiều lần dọn đồ chạy lụt. Tình hình có thể vẫn còn khó khăn khi thời tiết những ngày tới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp.

thu-truong(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa phải) cùng đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, mưa lũ tại Đà Nẵng.

Nước ngập sâu, người dân bị thiệt hại nhiều tài sản

Từ ngày 13 đến 17-10, người dân sống ở khu vực phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) phải 2 lần “chạy lụt”. Và chiều nay, người dân nơi vùng “rốn lũ” này tiếp tục kê dọn đồ đạc lên cao để đề phòng một đợt mưa lớn gây ngập trong đêm.

Nhà ông Phạm Văn Tuấn ở đường Hoàng Văn Thái là nơi thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn. Từ chiều 13-10, sau đợt mưa lớn, nhà ông bị nước tràn vào, ngập sâu hơn 1m. Sau khi nước rút, bùn non đọng lại lớp dày 30cm, đồ đạc bị ngâm nước rất nhiều, cả gia đình tập trung dọn dẹp vẫn chưa xong thì sáng nay, nước lại dâng cao, tràn vào nhà. Đây là lần thứ 2 trong 4 ngày qua, gia đình ông phải dọn lụt.

Chung cảnh ngộ, anh Trần Minh Tiến (trú đường Hoàng Văn Thái) cho biết, những ngày qua, cả nhà anh liên tục phải dọn dẹp do nước dâng cao rồi lại rút, may có nhiều hàng xóm hỗ trợ chứ không, hai vợ chồng anh "chẳng biết xoay xở thế nào”.

Nhà chị Nguyễn Minh Hiếu (ở đường Mẹ Suốt) cũng bị ngập nặng trong đợt mưa này. Ngoài chiếc xe máy kịp thời mang đến nhà người quen gửi thì mọi đồ đạc đều bị ngâm nước. “Đêm 13-10 vừa qua, nước lên quá nhanh, tôi chỉ kịp đưa xe máy đi gửi rồi tá túc nhà người quen. Nửa đêm mở camera ở nhà ra xem thì nước ngập gần 2m. Tivi, tủ lạnh và nhiều đồ điện bị ngâm nước hư hỏng hết”, chị Hiếu kể.

Đứng nhìn nhà cửa bề bộn với bùn non bao phủ, đồ đạc ngâm nước hư hỏng, chị Hiếu ứa nước mắt. “Đợt ngập lịch sử tháng 10 năm ngoái, tôi không kịp trở tay nên mọi thứ trong nhà đều bị ngập nước, hư hỏng nặng. Tôi phải vay mượn để sửa chữa và mua sắm đồ mới, chưa trả hết nợ thì nay lại chịu cảnh này...”, chị Hiếu chia sẻ.

Ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, trong sáng 17-10, các lực lượng chính quyền, công an phường và Cảnh sát cơ động - Công an thành phố Đà Nẵng đã sơ tán hơn 1.000 người dân khỏi vùng ngập. Đồng thời, bố trí chốt chặn tại những khu vực ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

cao-bun.jpg
Người dân Đà Nẵng cào bùn non, dọn dẹp nhà cửa.

Khả năng xuất hiện một đợt lũ trên các sông Đà Nẵng

Chiều 17-10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, mưa lũ tại Đà Nẵng.

Kiểm tra tại Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, Đà Nẵng cần nắm tình hình thời tiết sớm để có giải pháp kịp thời phòng tránh thiệt hại, bảo đảm an toàn cho ngư dân. Trong tình hình thời tiết xấu, thành phố cần đưa ra lệnh cấm biển, khuyến cáo người dân tránh đi vào vùng biển nguy hiểm.

Đánh giá cao thành phố Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý ngập lụt đô thị, người dân có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống lũ lụt, tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý địa phương có các giải pháp hiệu quả hơn để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, tổng lượng mưa từ lúc 1h ngày 16-10 đến 1h ngày 17-10, phổ biến từ 50 - 100mm. Dự báo, từ nay đến 18-10, địa bàn Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm. Hiện, mực nước trên sông Vu Gia, sông Cẩm Lệ đang dao động dưới báo động 1 là 0,48m. Cảnh báo từ ngày 17 đến 19-10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Ngoài ra, Đà Nẵng đang chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Cụ thể, hồi 13h ngày 17-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo 24 giờ tới, áp thấp nằm trên vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng, mạnh cấp 8, giật cấp 11, di chuyển hướng Tây Bắc với tốc độ 10km/h.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết Đà Nẵng những ngày tới tiếp tục diễn biến phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.