Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời tiết cuối năm 2016, đầu năm 2017: Rét đậm về sớm, lượng mưa giảm

Phương Nhi| 31/10/2016 06:53

(HNM) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện tượng ENSO (trạng thái trung tính giữa El Nino và La Nina) sẽ chi phối tình hình thời tiết nước ta.

Những tháng cuối năm, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) còn có khả năng xuất hiện trên Biển Đông, các đợt rét đậm có khả năng không kéo dài, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh dần từ nửa cuối tháng 10-2016, mưa xảy ra không nhiều...


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hệ quả của quá trình chuyển pha ENSO đối với chế độ thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017 là khả năng mùa bão sẽ kết thúc muộn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm, mưa lũ tiếp tục xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015 trên khu vực miền Trung trong những tháng cuối năm 2016.

Các phân tích và dự báo mới nhất cho thấy, trong thời gian cuối năm 2016 bão và ATNĐ còn xuất hiện trên Biển Đông khoảng 4 cơn và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2 cơn. Tần suất bão, ATNĐ có khả năng tập trung nhiều hơn ở khu vực giữa, Nam Biển Đông và các tỉnh thuộc Trung Bộ. Bão và ATNĐ nhiều khả năng còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông trong tháng 1 và tháng 2-2017.

Trong khi đó, về rét đậm, rét hại, trong 2 tháng (11, 12-2016), nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Các đợt rét đậm, rét hại ở khu vực miền Bắc tập trung nhiều vào thời kỳ giữa tháng 12-2016 đến tháng 1-2017 và có khả năng không kéo dài. Đợt rét đậm đầu tiên ở Bắc Bộ dự kiến xảy ra vào giữa tháng 12-2016, sớm hơn so với TBNN. Lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn TBNN cùng thời kỳ 10-20%; riêng tháng 12-2016 có thể thiếu hụt 20-40%...

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, các đợt không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh dần từ nửa cuối tháng 10, tuy nhiên mưa xảy ra không nhiều, thời tiết lạnh và khô ở Bắc Bộ đến Nghệ An trong những tháng đầu mùa đông (tháng 11, 12).

Khu vực miền Trung có xu hướng tăng mưa trong những tháng cuối năm 2016 và hai tháng đầu năm 2017. Từ tháng 3 đến tháng 4-2017 mưa có xu hướng giảm hơn so với TBNN tại khu vực này. Nhìn chung, mùa mưa năm nay ở Trung Bộ có khả năng kết thúc muộn hơn so với năm 2015. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 1 và tháng 2-2017 có khả năng xảy ra hiện tượng mưa trái mùa.

Từ tháng 11-2016 đến tháng 4-2017, mực nước trên các sông suối có xu thế biến đổi chậm và xuống dần. Nguồn dòng chảy thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng thiếu hụt so với TBNN 15-40%, trên sông Đà thiếu hụt 10-20%. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,3-0,4m vào tháng 2 và 3-2017. Khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt ở vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc Bộ. Cấp nước, giao thông thủy và phát điện trong các tháng cuối mùa khô năm 2016-2017 sẽ khó khăn hơn năm 2015-2016.

Nhận định về tình hình này, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết: “Xu thế diễn biến của thiên tai khí tượng thủy văn càng ngày càng khốc liệt hơn, diễn biến phức tạp khó lường hơn, khí hậu ngày càng nóng hơn, khô hơn, mưa bão lũ bất thường hơn. Do vậy, trước những diễn biến khó lường ấy, sự chủ động, cẩn trọng trong công tác phòng tránh là cần thiết hơn bao giờ hết".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết cuối năm 2016, đầu năm 2017: Rét đậm về sớm, lượng mưa giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.