Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời lượng chương trình đào tạo thạc sĩ từ 30 – 55 tín chỉ

H.V| 01/03/2011 11:39

(HNMO) - Theo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ do Bộ GD&ĐT ban hành, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có thời lượng từ 30 – 55 tín chỉ.


Quy chế quy định về đào tạo trình độ thạc sĩ được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 28/2 áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học đã được giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ, các tổ chức và cá nhân tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ.

Theo quy chế, đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện từ một năm đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học. Đối với các ngành đào tạo trình độ đại học có thời gian đào tạo từ năm năm trở lên thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ tối thiểu là một năm học. Đối với các ngành đào tạo trình độ đại học có thời gian đào tạo từ bốn năm rưỡi trở xuống thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ là một năm rưỡi đến hai năm học.

Giảng viên đào tạo trình độ thạc sĩ phải có bằng tiến sĩ, tiến sĩ khoa học hoặc có chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với giảng viên tham gia giảng dạy các học phần lý thuyết, hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tham gia các Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ; Có bằng thạc sĩ đối với giảng viên giảng dạy học phần ngoại ngữ cho các chuyên ngành không chuyên ngữ hoặc giảng viên giảng dạy một số học phần thuộc phần kiến thức chung hoặc giảng viên hướng dẫn học viên thực hành, thực tập.

Thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức từ 1 đến 2 lần/ năm. Thủ trưởng cơ sở đào tạo căn cứ vào yêu cầu và tình hình cụ thể của cơ sở đào tạo để xác định số lần tuyển sinh và thời điểm tuyển sinh của năm tới, đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 8 hàng năm.

Các môn thi tuyển gồm: môn ngoại ngữ, môn cơ bản, môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo.

Quy chế quy định, người dự thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ phải đã tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc phù hợp với ngành hoặc chuyên ngành đăng ký dự thi. Riêng đối với ngành ngoại ngữ, nếu người dự thi đăng ký theo ngành ngoại ngữ đúng với bằng tốt nghiệp đại học theo hình thức giáo dục thường xuyên thì phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy thuộc ngành ngoại ngữ khác;

Người có bằng tốt nghiệp đại học ngành gần với chuyên ngành dự thi phải học bổ sung kiến thức trước khi dự thi. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định nội dung kiến thức học bổ sung cho từng đối tượng dự thi.

Về thâm niên công tác chuyên môn, tùy theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành đào tạo, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về thâm niên công tác chuyên môn cho từng ngành hoặc chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.


Quy chế cũng quy định, những đối tượng được ưu tiên khi dự tuyển gồm: Người có thời gian công tác hai năm liên tục trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi) tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ở các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo; Thương binh, bệnh binh người có giấy chứng nhận được hưởng chính sách như thương binh; Con liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, người có công với cách mạng; Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Con nạn nhân chất độc màu da cam.

Những đối tượng ưu tiên trên khi dự thi được cộng một điểm vào kết quả thi (thang điểm 10) cho môn cơ bản. Người thuộc nhiều đối tượng ưu tiên chỉ được hưởng chế độ ưu tiên của một đối tượng.

Thời gian làm bài thi môn cơ bản và môn cơ sở theo hình thức tự luận là 180 phút, theo hình thức trắc nghiệm là 90 phút. Thời gian làm bài môn ngoại ngữ phù hợp với dạng thức của đề thi do Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định.

Về đề thi, với đào tạo trình độ thạc sĩ, đề thi phải đạt được yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình đào tạo trình độ đại học. Nội dung đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ mang tính tổng hợp, bám sát và bao quát toàn bộ chương trình môn thi đã được công bố. Lời văn, câu chữ, số liệu, công thức, phương trình phải chính xác, rõ ràng; Đề thi phải đảm bảo yêu cầu đánh giá và phân loại được trình độ của thí sinh, phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.

Thí sinh trúng tuyển phải đạt điểm 5 trở lên theo thang điểm 10 ở các môn thi cơ bản, môn thi cơ sở. Môn ngoại ngữ đạt yêu cầu theo quy định của Thủ trưởng cơ sở đào tạo.

Căn cứ vào chỉ tiêu đã được xác định cho từng ngành, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo và tổng điểm thi các môn thi (trừ môn ngoại ngữ) của từng thí sinh Thủ trưởng cơ sở đào tạo xác định số lượng thí sinh trúng tuyển .

Trường hợp có nhiều thí sinh cùng tổng điểm các môn thi như nhau thì sẽ xét đến mức điểm cao hơn của môn cơ sở, sau đó đến môn cơ bản và cuối cùng là môn ngoại ngữ để xác định người trúng tuyển.

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có thời lượng từ 30 – 55 tín chỉ. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết hoặc 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận hoặc 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở hoặc 45 - 60 giờ viết tiểu luận, bài tập lớn hoặc luận văn tốt nghiệp.

Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ học viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.

Đối với học viên tuyển sinh năm 2011, 2012, tùy theo điều kiện, cơ sở đào tạo có thể áp dụng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ hoặc theo niên chế.

Từ năm 2013, các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ áp dụng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ.

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được cấu trúc gồm hai phần: Các học phần chiếm khoảng 80% thời lượng chương trình đào tạo, bao gồm: phần kiến thức chung (học phần Triết học và học phần ngoại ngữ), phần kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành; Luận văn thạc sĩ, chiếm khoảng 20% thời lượng chương trình đào tạo. Đề tài luận văn thạc sĩ là một chuyên đề khoa học, kỹ thuật hoặc quản lý cụ thể do cơ sở đào tạo giao hoặc do học viên tự đề xuất, được người hướng dẫn đồng ý.

Cũng theo quy chế, để được bảo vệ luận văn, học viên phải đã học xong và đạt yêu cầu các học phần trong chương trình đào tạo; Không đang trong thời gian chịu kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Không bị khiếu nại, tố cáo về nội dung khoa học trong luận văn.

Luận văn thạc sĩ được đánh giá công khai tại Hội đồng chấm luận văn. Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ do Thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định thành lập. Các thành viên Hội đồng phải có bằng tiến sĩ, hoặc tiến sĩ khoa học, hoặc chức danh giáo sư, hoặc phó giáo sư chuyên ngành phù hợp, am hiểu những vấn đề có liên quan đến đề tài luận văn; Chủ tịch Hội đồng phải là người có năng lực và uy tín chuyên môn, có kinh nghiệm trong tổ chức điều hành công việc của Hội đồng; Người phản biện phải là người am hiểu đề tài luận văn. Người phản biện không được là đồng tác giả với người bảo vệ trong các công trình công bố có liên quan đến đề tài luận văn (nếu có); Các thành viên hội đồng là người không có quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột; Các thành viên hội đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các nhận xét, đánh giá của mình về luận văn.

Không tiến hành bảo vệ luận văn khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Học viên không đủ sức khoẻ trong thời điểm bảo vệ; Vắng mặt chủ tịch Hội đồng hoặc thư ký Hội đồng; Vắng mặt phản biện có ý kiến không tán thành luận văn; Vắng mặt từ hai thành viên hội đồng trở lên.

Điểm chấm luận văn của từng thành viên theo thang điểm 10, lẻ đến 0,5 điểm. Điểm luận văn là trung bình cộng điểm chấm của các thành viên Hội đồng chấm luận văn có mặt và lấy đến hai chữ số thập phân. Luận văn không đạt yêu cầu khi điểm trung bình của Hội đồng chấm luận văn dưới 5 điểm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2011.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời lượng chương trình đào tạo thạc sĩ từ 30 – 55 tín chỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.