Chuyện đó đây

Thời kỳ kỹ thuật số của các nghĩa trang ở thủ đô Trung Quốc

Theo Báo Tin tức 16/08/2023 - 18:49

Trước tình trạng dân số già đi nhanh chóng và khan hiếm đất đai, thủ đô của Trung Quốc đang thí điểm các không gian chôn cất với màn hình điện tử thay cho nghĩa trang và bia mộ bằng đá truyền thống.

Chú thích ảnh
Một nghĩa trang kỹ thuật số tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết, khi một người qua đời ở Bắc Kinh, thi thể họ thường được hỏa táng và tro cốt sau đó được chôn dưới bia mộ bằng đá tại một trong những nghĩa trang công cộng của thành phố. Gia đình cùng bạn bè sẽ tập trung tại nghĩa trang để thắp nến và đốt hương tỏ lòng thành kính với người đã khuất.

Chị Zhang Yin, một phụ nữ trung niên người Bắc Kinh, đã chọn nghi thức chôn cất rất khác khi bà của chị qua đời vào đầu năm nay: Tro cốt của bà được cất giữ trong một ngăn thuộc căn phòng lớn tại nghĩa trang Taiziyu ở thủ đô. Hình thức này gần giống như hộp ký gửi an toàn tại ngân hàng.

Một màn hình điện tử trên cửa ngăn chứa sẽ hiển thị hình ảnh và video về người quá cố thay cho bia mộ truyền thống. Hình thức này được đánh giá giúp tiết kiệm đất đai, chi phí phải chăng và phù hợp với xu hướng ngày càng tăng của các gia đình Trung Quốc muốn tổ chức tang lễ cá nhân hóa hơn cho người thân của họ.

Chị Zhang chia sẻ: “Các nghĩa trang truyền thống ở ngoài trời hứng trọn nắng và gió. Nếu bạn đưa con cái đến đó, chúng sẽ chỉ nhìn thấy những ngôi mộ trơ trụi, chẳng có ý nghĩa gì với chúng. Đối với nghĩa trang kỹ thuật số, các gia đình có thể cùng nhau xem hình ảnh của người thân đã khuất”. Chị Zhang cũng nói rằng, ông của chị ủng hộ tang lễ kỹ thuật số bởi ông dễ tiếp thu những cái mới. Điều trùng hợp là ngăn lưu trữ tro cốt bà của chị Zhang có số trùng với số nhà cũ của bà.

Chú thích ảnh
Một lễ truy điệu mô phỏng tại nghĩa trang kỹ thuật số ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg
Chú thích ảnh
Một nhân viên tại nghĩa trang kỹ thuật số ở Bắc Kinh hướng dẫn cách sử dụng đèn lồng trên màn hình cảm ứng cho lễ truy điệu. Ảnh: Bloomberg

Cả chính quyền địa phương và các công ty tang lễ ở Trung Quốc đều đang thử nghiệm hình thức mai táng mới trong bối cảnh quốc gia tỷ dân đối mặt với tình trạng khan hiếm đất đô thị và dân số già đi nhanh chóng.

Theo Cục Thống kê quốc gia, số ca tử vong hằng năm đã lên mức 10,4 triệu ca vào năm 2022, tăng 6,7% so với năm 2016. Quốc vụ viện Trung Quốc nói rằng, đến năm 2035, Bắc Kinh sẽ cố gắng giảm tổng diện tích đất của các nghĩa trang công cộng xuống còn khoảng 70% diện tích hiện tại và nước này cũng thúc đẩy các hình thức chôn cất khác để tiết kiệm không gian.

Công ty Beijing Jiuli Digital Technology chuyên cung cấp dịch vụ điện tử liên quan đến mai táng, đang làm việc với Bắc Kinh và các nghĩa trang của thành phố để chuyển ngành công nghiệp tang lễ thành kỹ thuật số. Công ty này cần thuyết phục khách hàng rằng các nghi lễ trực tuyến cũng có thể mang nhiều ý nghĩa.

Chính quyền Trung Quốc coi thay đổi là cần thiết để bảo tồn đất đai và giảm chi phí. Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về nhu cầu dịch vụ tang lễ: Quy mô thị trường của nước này năm 2020 là 258 tỷ nhân dân tệ (35,6 tỷ USD) và được dự đoán sẽ đạt 411 tỷ nhân dân tệ vào năm 2026.

Chú thích ảnh
Một nghĩa trang truyền thống tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Bắc Kinh không phải thành phố đầu tiên ở Trung Quốc khuyến khích tang lễ kỹ thuật số. Vào tháng 8-2022, Thượng Hải đã khai trương một nghĩa trang công nghệ kỹ thuật số.

Ông Jin Leiyi, phó chủ tịch công ty dẫn đầu về tang lễ kỹ thuật số Fu Shou Yuan, nhận định thời kỳ chi tiền chỉ để “mua đất và bia đá” cho tang lễ sẽ sớm kết thúc. Thay vào đó, tiền sẽ được dành cho khoa học, công nghệ cùng trải nghiệm cảm xúc tại các nghĩa trang.

Chi phí là một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của nghĩa trang kỹ thuật số. Một đám tang kỹ thuật số trung bình có giá khoảng 56.000 nhân dân tệ tại nghĩa trang Taiziyu của Bắc Kinh, chỉ bằng một phần ba chi phí của mảnh đất chôn cất nhỏ ở nghĩa trang ngoài trời truyền thống trong cùng khu vực.

Kể từ đầu năm đến nay, hơn 500 ngăn chôn cất kỹ thuật số đã được bán ở Bắc Kinh trong số khoảng 7.000 ngăn có sẵn. Một nghĩa trang kỹ thuật số diện tích 20m2 có thể chứa hơn 150 ngăn lưu trữ tro cốt, trong khi một diện tích tương tự như vậy sẽ chỉ chứa được 6 ngôi mộ ở nghĩa trang truyền thống.

Chú thích ảnh
Một ngăn chứa tro cốt người đã khuất tại nghĩa trang kỹ thuật số ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Theo một báo cáo năm 2020, chi phí trung bình cho một đám tang tại Trung Quốc vào khoảng 5.555 USD, tương đương 45% mức lương trung bình năm. Trong khi đó, con số này ở phạm vi toàn cầu là 10%. Đến năm 2021, Ủy ban Quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã ra cảnh báo người tiêu dùng không bị lôi kéo vào việc vay mượn một cách liều lĩnh “các khoản vay nghĩa trang” để trang trải cho các đám tang.

Việc chính phủ thúc đẩy tang lễ và chôn cất tiết kiệm không gian và bền vững hơn cũng là cơ sở cho các sáng kiến ở cả Bắc Kinh và Thượng Hải, chẳng hạn như chôn cất xanh, bao gồm việc rải tro cốt trên biển.

Theo một số nhà cung cấp dịch vụ tang lễ, thách thức lớn nhất mà các nghĩa trang kỹ thuật số phải đối mặt là nhận thức truyền thống của người Trung Quốc về cái chết. Nhưng thế hệ trẻ, những người đưa ra quyết định thay thế cho người thân quá cố của họ, dường như cởi mở hơn. Chị Zhang cũng đồng ý với điều này: “Thế hệ trẻ không đặc biệt quan tâm đến hướng đất hay phong thủy. Các nghĩa trang kỹ thuật số đã được thế hệ của tôi chấp nhận, chưa kể đến những người trẻ hơn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thời kỳ kỹ thuật số của các nghĩa trang ở thủ đô Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.