(HNM) - Trong một bước đi lớn nhằm tiến tới chấm dứt hoàn toàn sự thù địch sau nhiều thập kỷ giữa hai địch thủ thời Chiến tranh lạnh, ngày 1-7, quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba đã chính thức bình thường hóa với việc hai nước đồng ý mở lại các Đại sứ quán tại Washington và La Habana vào cuối tháng này.
Việc Mỹ - Cuba mở lại đại sứ quán tại mỗi nước mở ra một chương mới trong quan hệ ngoại giao song phương. |
Tổng thống Barack Obama mô tả đây là một bước tiến mang tính lịch sử của hai nước; đồng thời khẳng định sự kiện mở lại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô La Habana không thuần túy là một biểu tượng mà với sự kiện này, giới ngoại giao Mỹ sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng các cuộc tiếp xúc với người dân Cuba.
Trước đó, Tổng thống B.Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã gửi thư bày tỏ ý định thời gian mở lại Đại sứ quán tại thủ đô hai nước là ngày 20-7. Bình thường hóa chính thức quan hệ Mỹ - Cuba là bước đi cuối cùng trong kế hoạch làm "tan băng" hoàn toàn mối quan hệ bang giao giữa Mỹ và đảo quốc Caribe. Kể từ sau khi Tổng thống B.Obama tuyên bố kế hoạch hồi tháng 12 năm ngoái, cả 2 nước đã đạt được những bước tiến đáng kể. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống B.Obama và Chủ tịch R.Castro đã có cuộc gặp lịch sử tại Panama. Đầu tháng 6, Mỹ đã đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine chưa đến hồi kết và cuộc chiến chống khủng bố với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là tâm điểm tiếp tục nóng lên thì sự kiện Washington và La Habana nối lại quan hệ chính thức là thành tựu nổi bật trong chính sách đối ngoại hiếm thấy của Nhà Trắng mà ông B.Obama có được trong hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp.
Quan hệ Mỹ - Cuba đóng băng kể từ đầu những năm 1960. Từ sự kiện Vịnh Con Lợn đến cuộc khủng hoảng tên lửa Mỹ - Nga trên quốc đảo này, sự thù địch đã bao trùm khắp eo biển Florida. Chính quyền của Tổng thống John F.Kennedy khi đó đã áp dụng lệnh cấm vận Cuba và nó được các tổng thống nối tiếp "thừa kế" và bổ sung suốt hơn 50 năm qua. Cuộc thập tự chinh "kinh tế" của cường quốc số 1 thế giới với láng giềng bé nhỏ hàng mấy thập kỷ đã khiến Cuba chịu tổn thất kinh tế lên đến 1.000 tỷ USD. Nhưng tất cả đã không mang lại sự "thay đổi" như Washington mong đợi. Ngược lại, với lệnh cấm vận, Mỹ đã tự trói mình vào quá khứ và ngày càng trở nên cô lập ngay chính tại châu lục. Từ năm 1992 đến nay, Liên hợp quốc cũng đã nhiều lần lên án lệnh trừng phạt của Mỹ với Cuba. Quan trọng hơn, thái độ thù địch của Mỹ với Cuba đã khiến Washington không nhận được sự hoan nghênh tại Mỹ Latinh. Bởi lẽ, từ địa lý đến văn hóa và lịch sử... Cuba là một mắt xích quan trọng kết nối Mỹ với Mỹ Latinh. Thời gian và lịch sử đã cho thấy sự thiếu vắng Cuba, Châu Mỹ không thể trở thành một lục địa hòa bình và phồn vinh toàn diện.
Đương nhiên, Cuba cũng luôn thể hiện thiện chí để không chỉ hóa giải bất đồng song phương Mỹ - Cuba mà còn nhằm hội nhập hệ thống kinh tế thế giới. Sau khi lên lãnh đạo đất nước vào năm 2008, mặc dù Chủ tịch R.Castro đã ra sức thúc đẩy nhiều chính sách cải cách kinh tế, nhưng sự phát triển của Cuba vẫn rất khiêm tốn. Mức tăng trưởng kinh tế của đảo quốc Caribe năm 2014 chỉ đạt 1,4%. Doanh nghiệp các nước Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc... mặc dù có hứng thú đầu tư vào Cuba, nhưng trắc trở trong quan hệ Mỹ - Cuba cũng đã khiến nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Cuba bị giới hạn.
Dẫu vậy, việc nối lại quan hệ toàn diện Mỹ - Cuba vẫn đứng trước rất nhiều thách thức. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống B.Obama, chính giới Mỹ đã có những phản ứng trái ngược và như thường lệ, phe Dân chủ ủng hộ còn phe Cộng hòa phản đối. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, Nancy Pelosi cho rằng, sự kiện hai nước mở cửa lại đại sứ quán sẽ tạo nền tảng cho một mối quan hệ song phương hiệu quả hơn, qua đó có thể hỗ trợ và thúc đẩy những giá trị ưu tiên của Mỹ cũng như tạo cơ hội kinh doanh cho các công ty Mỹ... Trong khi đó, một số nhân vật có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa như Chủ tịch Hạ viện John Boehner, các ứng cử viên tổng thống Marco Rubio, Tez Cruz và Jeb Bush đã lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống B.Obama.
Tuy nhiên, những thách thức không thể làm lu mờ hy vọng xứ Cờ hoa sẽ sớm dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận với quốc đảo xinh đẹp này. Không quá lời khi nói rằng, các nhà ngoại giao lão luyện của cả Mỹ và Cuba đã cùng vượt qua một quãng đường dài. Rất nhiều rào cản đã được vượt qua và hai nước đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, thời khắc khép lại quá khứ và cùng nhau hướng tới tương lai đang ở rất gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.