Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời gian tới, cung - cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định

Thanh Hải| 22/02/2022 15:42

(HNMO) - Đó là nội dung được nhấn mạnh trong báo cáo ngày 22-2 của Bộ Công Thương khi thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước.

Theo đó, với Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn, do khó khăn về tài chính nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất trong thời gian vừa qua (hiện đang chạy ở mức 55-60% công suất). Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43% (kế hoạch giao là 680 nghìn m3, thực tế giao khoảng 390 nghìn m3; trong đó, xăng giảm 18% và dầu DO giảm 57%); Dự kiến tháng 3-2022, nhà máy cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng. Hiện tại, nhà máy sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5-2022.

Với Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm nên từ cuối tháng 1-2022, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7-2-2022 đã nâng công suất lên 105%. Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300 nghìn m3 xăng và 300 nghìn m3 dầu/tháng.

Trong khi đó, với nguồn cung xăng dầu trên thị trường trong nước thì lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối đầu tháng 2-2022 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại; dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường trong tháng 2-2022 khoảng 2,39 triệu m3 (trong đó 990 nghìn m3 các loại từ nguồn trong nước và 1,4 triệu m3 từ nguồn nhập khẩu). Với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022 và dự trữ gối đầu sang tháng 3-2022.

Sang tháng 3-2022, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng hàng từ sản xuất trong nước giảm mạnh trong tháng 2 và đầu tháng 3-2022. Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2-2022 chuyển sang vẫn bảo đảm, cùng với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ 15-3 và từ đầu tháng 4-2022 sẽ chạy đủ 100% công suất. Đồng thời, các thương nhân đầu mối cũng sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo (nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm lượng cung ứng như kế hoạch).

Với tình hình cung ứng xăng dầu như trên cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung – cầu xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định.

Cũng theo Bộ Công Thương, để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, từ cuối tháng 1-2022, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp; Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể như Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOIL) đang thực hiện việc nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2-2022 là 26 nghìn m3 xăng và 40 nghìn m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang thực hiện kế hoạch nhập khẩu trong tháng 2-2022 khoảng 100 nghìn m3 xăng và 200 nghìn m3 dầu...

Để bảo đảm nguồn cung – cầu xăng dầu trong nước ổn định, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Cùng với đó, công tác điều hành giá tiếp tục được liên bộ Công Thương - Tài chính cân nhắc nhiều chiều, nhiều yếu tố nhằm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu quản lý chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp.

Bộ cũng kiến nghị, thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, trong bối cảnh công cụ Quỹ bình ổn giá có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời gian tới, cung - cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.