(HNM) - Giá bản quyền truyền hình (BQ) Giải Ngoại hạng Anh (EPL) mùa giải 2013-2016 đang thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Phó Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) Vũ Quang Huy đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Hànộimới về vấn đề này.
- Thưa ông, có tin mức giá BQ EPL giai đoạn 2013-2016 lên đến 37,5 triệu USD. Ông đánh giá thế nào về con số này? Có phải cách thức độc quyền của VTC và một số đài khác đã gián tiếp dẫn tới chuyện này?
- Tôi thấy đây là con số không thể chấp nhận được. Mọi người cứ nghĩ VTC và K+ cùng độc quyền cả, nhưng cách độc quyền khác hẳn nhau. VTC từng mua BQ EPL 3 năm, nhưng chỉ là độc quyền trên hệ thống số mặt đất, “độc quyền” vì khi ấy VTC là đơn vị duy nhất ở Việt Nam phát sóng trên hệ thống số mặt đất; nhưng các thuê bao truyền hình cáp vẫn có thể xem bình thường. K+ độc quyền nhiều trận đối với tất cả, đó là cách làm không hay, là căn nguyên đẩy giá BQ lên cao quá mức.
Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông An Viên (AVG) Phạm Nhật Vũ: Không thể để chảy máu ngoại tệ! Chúng tôi ủng hộ chủ trương chung, từ việc mua chung đến chia sẻ BQ. Với riêng BQ EPL 2013-2016, sự ủng hộ chủ trương chung được thể hiện trên thực tế, đó là khi họ mời, chúng tôi không tham gia đấu thầu. Chỉ khi cả hệ thống truyền hình đã tham gia, chúng tôi mới vào. Không thể để người hâm mộ phải chịu mức phí quá cao, quá tốn kém, chảy máu ngoại tệ. |
- Ông từng nhiều lần khẳng định các đài cần “ngồi lại” với nhau để tránh bị ép giá. Điều đó nên được hiểu thế nào?
- Tôi nghĩ, nên thành lập một hội đồng có sự góp mặt của đại diện các đài TH lớn, thống nhất mức giá phù hợp, xác định nghĩa vụ của từng đài... Mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có công văn chỉ đạo cụ thể, khán giả có thể lạc quan hơn về sự hợp tác của các đài.
- Giả như IMG chào bán EPL trực tiếp, VTC sẽ ứng xử thế nào?
- Chúng tôi dứt khoát không mua một mình, sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông.
- Độc quyền BQ EPL là biện pháp tăng số thuê bao của một số nhà đài. Ông có lo ngại trường hợp “xé rào” để mua riêng BQ không?
- Không loại trừ tình huống xấu đó. Nhưng đây là thời điểm rất thuận lợi để ngăn chặn chuyện này. Thứ nhất, đã có gương tày liếp từ doanh nghiệp bị lỗ nặng do kinh doanh độc quyền, mà đó không phải chuyện xa xôi gì. Thứ hai, Bộ Thông tin - Truyền thông đã chỉ đạo rất sát sao, thiết thực rồi. Thứ ba, dường như ý thức về vấn đề này của các đài cũng đã tốt hơn. Nếu như vẫn có anh “ăn mảnh”, ôm mộng độc quyền, cơ quan quản lý có thể áp đặt như Singapore từng làm, nếu cần thì có thể ban hành chế tài.
- Điều gì xảy ra nếu ở Việt Nam không có ai mua BQ EPL?
- Người hâm mộ chắc sẽ thông cảm. EPL hấp dẫn một phần vì là “món quen”, chứ “ngon” thì chắc gì đã hơn bóng đá Đức, Tây Ban Nha. Nhiều đài truyền hình ưu tiên quá nhiều cho thể thao quốc tế, nay sẽ có dịp nâng cao chất lượng mảng trong nước của mình.
- Nếu không có EPL, VTC có “món ngon” thay thế?
- VTC đã phát Giải Bóng đá Nhật Bản J-League. Đây là một giải hay, hình mẫu để Việt Nam noi theo. Nếu không có gì thay đổi, VTC vẫn tiếp tục làm giải Nhật hằng tuần, cố gắng “chế biến” để tăng tính hấp dẫn hơn nữa. “Món mới”, nhưng dần dà mọi người sẽ quen.
- Còn các giải khác, như giải Italia, Tây Ban Nha, Đức?
- Giải Italia, Tây Ban Nha, Đức cũng là những lựa chọn hấp dẫn, nhưng một khi giá cao thì cũng phải cân nhắc. “Liệu cơm gắp mắm” là quan điểm phù hợp.
Thực ra, từ vài năm nay, VTC đã tạo ra nhiều bước đột phá về BQ, ví như mua BQ trận đấu đội tuyển, bóng chuyền… Chúng tôi không lao vào những cuộc đua BQ vô bổ. Trước mắt, VTC có giải Nhật, Hà Lan, Scotland, có BQ phát sau một ngày các trận đấu của Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, Chelsea, Liverpool, Manchester City… Bằng cách này hay cách khác chúng tôi sẽ cung cấp cho khán giả những trận đấu hay và tôi tin khán giả sẽ hài lòng.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.