Mới rồi, Bộ trưởng Ngoại giao của 43 nước thành viên Liên minh Địa Trung Hải, bao gồm 27 thành viên hiện tại của Liên minh châu Âu (EU) và tất cả các quốc gia khác ở ven bờ Địa Trung Hải, đã tổ chức Diễn đàn Liên minh Địa Trung Hải lần thứ chín ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Đồng chủ trì sự kiện này năm nay là Jordani và EU.
Liên minh Địa Trung Hải được thành lập năm 2008 từ khuôn khổ diễn đàn tiền thân là "Tiến trình Barcelona" được Cộng đồng châu Âu (EC, tiền thân của EU ngày nay) khởi xướng hồi năm 1995 giữa EC và các quốc gia ven bờ Địa Trung Hải. Hồi ấy là thời kỳ EC khởi động tiến trình hợp tác liên châu lục với các châu lục và khu vực khác trên thế giới.
Việc thành lập Liên minh Địa Trung Hải vào năm 2008 là bước phát triển và thể chế hóa có ý nghĩa quyết định đối với "Tiến trình Barcelona". Nhưng rồi ở châu Âu và trong nội bộ EU đã xảy ra nhiều chuyện khiến EU quá bận rộn với chính mình và không thể tập trung cũng như ưu tiên như trước nữa cho việc thúc đẩy tiến trình hợp tác liên châu lục giữa EU với các châu lục và khu vực bên ngoài, trong đó có hợp tác với các quốc gia ven bờ Địa Trung Hải.
Kể từ khi thành lập đến nay, lãnh đạo cấp cao của 43 quốc gia thành viên Liên minh Địa Trung Hải thường cứ 2 năm gặp nhau một lần, bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên gặp nhau hằng năm và Diễn đàn Liên minh Địa Trung Hải được tổ chức đến lần thứ chín nhưng cho tới nay danh nghĩa vẫn xa với thực chất.
Nhìn vào bản tuyên bố chung của đồng chủ tịch Diễn đàn Liên minh Địa Trung Hải lần thứ chín này, cảm nhận sâu đậm hơn cả là dường như các thành viên của liên minh này đang phát hiện lại giá trị của chính liên kết liên châu lục và khu vực của họ. Tại Barcelona, các vị bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên thể hiện sự đồng thuận quan điểm sâu rộng hiếm thấy về cách giải quyết những vấn đề đặt ra lâu nay, về định hướng phát triển cho tương lai và về thống nhất quan điểm để phối hợp hành động liên quan đến những vấn đề chính trị thế giới hiện tại.
Thời cuộc đã làm cho các thành viên của Liên minh Địa Trung Hải phát hiện lại giá trị của liên minh, liên kết của họ. Với đông đảo thành viên như vậy, tổ chức này nếu đoàn kết thống nhất nội bộ, đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động thì sẽ có được vai trò và ảnh hưởng to lớn đến mức tất cả các đối tác trên thế giới không thể bỏ qua, không dám coi thường và thậm chí còn phải nỗ lực tranh thủ.
EU cần các thành viên khác của Liên minh Địa Trung Hải để thành lập được phe phái đông đảo và mạnh mẽ trên thế giới nhằm đối phó với những vấn đề lớn đặt ra như cuộc xung đột ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, EU cần sự trợ giúp và hợp tác của các nước này để giải quyết vấn đề dòng người tỵ nạn, di cư và nhập cư vượt Địa Trung Hải bất chấp hiểm nguy để tiếp cận các nước châu Âu. Còn các thành viên khác đang phải đối phó với tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông giữa Israel với Hamas và Hezbollah. Họ cần EU để gia tăng áp lực đối với Israel, thúc đẩy giải pháp chính trị hòa bình cho các cuộc chiến tranh và xung khắc trong khu vực, nhằm có được hòa bình, an ninh và ổn định lâu bền ở khu vực này.
Thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Địa Trung Hải là cách thích hợp nhất và hiệu quả nhất giúp các bên đồng thời đạt được những mục tiêu và lợi ích chung cũng như riêng trong bối cảnh tình hình hiện tại ở châu Âu, ở khu vực xung quanh Địa Trung Hải và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.