(HNM) -
5 năm tăng gần 5 lần
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là sự kiện thường niên, là cơ hội tốt cho cộng đồng DN gặp gỡ, trao đổi thông tin cũng như thực hiện việc mua bán, sáp nhập DN. Diễn đàn này cũng được đánh giá là phù hợp bởi diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào đời sống kinh tế toàn cầu; đặt ra những nhu cầu cần gia tăng các thương vụ M&A trên nhiều lĩnh vực, nhất là ngành sản xuất hàng gia dụng, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng…
Trên thực tế, nhu cầu và cơ hội để DN nghiên cứu chuẩn bị và thực hiện M&A cũng tăng dần qua các năm, thể hiện qua giá trị giao dịch năm 2009 chỉ đạt 1,1 tỷ USD, tăng lên 5,1 tỷ USD vào năm 2012. Đến nay, Nhật Bản đứng thứ nhất về số thương vụ thực hiện M&A, xét cả về số lượng và giá trị hợp đồng chuyển nhượng. Một số tập đoàn nổi tiếng đã thực hiện M&A thành công như Sumitomo, Mizuho, Unicham… Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng tham gia và thành công trong M&A là Vingroup, Masan, Kinh Đô… Có thể nói, 5 năm qua là giai đoạn hình thành thị trường M&A ở Việt Nam.
Đến nay, thị trường Việt Nam vẫn đang hứa hẹn thời cơ cho DN tìm đối tác, triển khai kế hoạch đầu tư dài hạn thông qua phương thức M&A. Đặc biệt, các DN có vốn đầu tư nước ngoài tỏ ra rất hứng thú với hoạt động này, sẵn sàng tham gia để tìm hiểu cơ hội, tiềm năng và đối tác để tái cơ cấu sản phẩm hoặc chuyển hướng kinh doanh, điều chỉnh những hạng mục đầu tư kết hợp với việc xác lập quy mô hoạt động trong các năm tới. Đặc biệt, các nhà đầu tư, nhất là DN đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và vận tải. Tuy vậy, trước mắt DN ngoại chỉ có thể tham gia ở mức độ nhất định nên đây mới chỉ là bước khởi đầu, làm tiền đề cho chiến lược làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Sự tham gia của DN ngoại trong hoạt động M&A được đánh giá là thực tế đáng ghi nhận và tích cực, bởi nó kích thích sự cạnh tranh, thúc đẩy sự chuyển động của cả cộng đồng DN, tạo ra lợi nhuận cao hơn sau khi tiếp nhận một DN mới. Thực tế cho thấy, phần lớn các DN sau khi được chuyển nhượng đều được "thổi' vào một luồng sinh khí mới, nhất là thay đổi về công nghệ và phương thức quản lý, định hướng kinh doanh. Thông qua M&A, giới DN cũng tự rút ra những kinh nghiệm về quản trị DN, lập chiến lược đầu tư hoặc nâng cao kỹ năng thực hiện việc rút lui khỏi thị trường hay mở rộng quy mô hoạt động.
Nâng cao hiệu quả M&A
Một số chuyên gia dự báo, tổng giá trị giao dịch sẽ diễn ra tại diễn đàn M&A 2013 sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD, tức là thấp hơn mức thực hiện của năm ngoái. Nguyên nhân chính là tiềm lực tài chính của các DN không còn dồi dào như trước cũng như phải tích lũy để tiếp tục đối phó với hàng loạt khó khăn đang, sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, một nét mới của "mùa" M&A năm nay là có thể có một số giao dịch thuộc lĩnh vực bất động sản được chuyển nhượng suôn sẻ bởi nhu cầu thoái vốn, bán lại dự án là khá lớn. Nhìn chung, nhà đầu tư nội vẫn chủ yếu tập trung nghiên cứu, tìm hiểu khả năng mua lại DN hoặc một phần của DN khác ở mức giá 3-5 triệu USD/thương vụ; cá biệt lên tới 10-20 triệu USD/ thương vụ và thuộc một số lĩnh vực quen thuộc như sản xuất hàng tiêu dùng, phân phối bán lẻ, thực phẩm chế biến... để phù hợp với năng lực tài chính của mình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong giai đoạn 2013-2017, hoạt động M&A tiếp tục tăng bình quân ở mức 25-30%/năm. Các thương vụ M&A sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng. Đặc biệt, hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ diễn ra sôi động hơn, với sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư ngoại, hoặc DN liên doanh. Đương nhiên, thị trường sẽ tăng sức thanh khoản và người tiêu dùng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng, M&A đang từng bước trở thành hoạt động gần gũi của đời sống kinh tế trong nước, từ đó đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu, thoái vốn hoặc mở rộng đầu tư của cộng đồng DN. Thời cơ để DN thực hiện M&A ngày càng lớn, bởi Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường, làn sóng xã hội hóa đầu tư diễn ra mạnh, môi trường đầu tư - kinh doanh được rà soát, cải thiện liên tục. Điều này tạo ra thời cơ để DN chuyển dịch địa bàn đầu tư, tăng cường hợp tác với đối tác mới nhằm tìm "phần bánh" tối đa trong thị trường gần 90 triệu dân, có sức mua ngày càng gia tăng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.