(HNM) - Trong một thời gian dài, thể thao Việt Nam (TTVN) chỉ lo làm
Trương Thanh Hằng, VĐV đoạt HCB môn điền kinh tại ASIAD 16. Ảnh: Nhật Anh |
Mọi chuyện sẽ không thay đổi nếu tại ASIAD 16, Đoàn TTVN chỉ giành được 1 HCV trong khi Malaysia, Thái Lan giành từ 6 đến 8 HCV. Kết quả đó làm những nhà lãnh đạo TTVN càng quyết tâm đổi mới chiến lược thể thao thành tích cao. Ông Lê Quý Phượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 16 tuyên bố: "TTVN phải chọn lối đi khác, tập trung vào những môn cơ bản. Nếu chỉ giữ tư duy theo kiểu kiếm huy chương thì chúng ta chỉ làm nên chuyện ở đấu trường khu vực, còn ra sân chơi Olympic thì chỉ có 28 môn thể thao mà thôi. Nói cách khác, chúng ta cần phải tập trung vào những môn thể thao Olympic".
Có thể nói "tư duy vùng" đã làm hại TTVN. Nhiều quan chức TTVN đã mừng thầm khi thành tích của Thái Lan ở các kỳ SEA Games chỉ suýt soát hoặc nhỉnh hơn thành tích của TTVN. Họ quên một điều rằng, Thái Lan không quan tâm đến việc "làm vua khu vực" mà tấn công vào các môn Olympic và nhiều HCV của thể thao Thái Lan là ở các môn này. Khi Thái Lan giành HCV ở Olympic, các nhà hoạch định chiến lược TTVN ít nhiều thay đổi tư duy. Song phải đến ASIAD 16 này, tư duy cũ mới thực sự bị dỡ bỏ. Theo chiến lược mới, 10 môn trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư. Đó là điền kinh, bơi, cử tạ, Karatedo, Taekwondo, cầu lông, bóng bàn, boxing (nữ), vật (hạng cân nhẹ), bắn súng. 10 môn này đều nằm trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic. Tính triệt để của tư duy mới là TTVN không còn đặt mục tiêu tranh chấp vị trí số 1 ở các kỳ SEA Games nữa mà chỉ phấn đấu nằm trong top 3. Từ nay đến năm 2019, TTVN phấn đấu giành vị trí thứ 12-14 trong bảng xếp hạng châu lục. "Đổi mới hay là chết", câu nói nổi tiếng ấy cũng đúng trong TTVN. Người hâm mộ không thể vui được khi TTVN còn xếp sau cả Myanmar, Philippines ở ASIAD 16.
Tuy nhiên, ý chí của các nhà lãnh đạo TTVN không phải sẽ làm chuyển biến dễ dàng và ngay lập tức mọi thành viên làng thể thao nước nhà, đặc biệt là thể thao địa phương. Chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ còn rất nặng và đó là trở ngại lớn. Bỏ đi một "vùng đất hứa" để gần như làm lại từ đầu là chuyện không dễ được chấp nhận. Có thể nói, đó là một cuộc cách mạng, mà đã là làm cách mạng thì cần phải có lực lượng, tổ chức tiên tiến, có những ngọn cờ… Chưa kể, điều này cũng sẽ dẫn tới việc phân chia lại "miếng bánh" kinh phí. Sẽ không dễ khi "quẳng" những miếng to nhất cho khu vực trọng điểm.
Nói thì dễ nhưng làm mới khó và chỉ những địa phương, những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm nhìn xa mới có thể thực hiện được chiến lược mới của TDTT Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.