(HNM) - Chính phủ của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi vừa
Vài giờ trước đó, đúng như dự đoán ban đầu, Thủ tướng S.Berlusconi đã giành thắng lợi với tỷ lệ 162 phiếu thuận và 135 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện Italy.
Các cuộc biểu tình ở Italia đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. |
Chiến thắng sít sao nói trên đã giúp ông S.Berlusconi vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong sự nghiệp chính trị kéo dài 16 năm của mình. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ kéo dài tình trạng bất ổn chính trị trên chính trường Italy. Vì hiện tại, đảng Nhân dân tự do (PDL) của Thủ tướng không còn bảo đảm được thế cân bằng trong hai viện của Quốc hội khi quyền kiểm soát ở Thượng viện rất mong manh. Còn tại Hạ viện, PDL đang phải đối mặt với nguy cơ mất đa số ghế do không có được sự ủng hộ của Chủ tịch Gianfranco Fini và nhóm nghị sĩ vừa "ly khai" khỏi PDL để quy về dưới "trướng" phong trào Tương lai và tự do cho Italia (FLI). Đây sẽ là một rào cản lớn với chính phủ của ông Berlusconi trong các cuộc bỏ phiếu thông qua các dự luật.
Tại cuộc họp báo sau cuộc "sát hạch" gay cấn, Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá AC Milan vẫn khẳng định sự tự tin khi cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn có thể điều hành một cách trôi chảy mà không cần đa số cách biệt ở hai viện quốc hội. Tuy nhiên, không giống như các nhà lãnh đạo Mỹ và Đức, Thủ tướng Italy đang vấp phải rất nhiều vấn đề gây rạn nứt trong chính nội bộ liên minh trung hữu cầm quyền - một nguyên nhân khiến cho chính phủ luôn lo "ngay ngáy" trước nguy cơ tan rã.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ ngày càng có những dấu hiệu tiêu cực, khiến an ninh tại thủ đô Rome và các thành phố lớn thường xuyên trong tình trạng bị "kéo căng". Ngay sau khi các kết quả bỏ phiếu được công bố, xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình bên ngoài trụ sở Hạ viện. Cảnh sát đã buộc phải bắn đạn hơi cay để giải tán những người biểu tình quá khích ném chai lọ, lựu đạn khói và các quả pháo lớn vào khu vực Thượng viện và Hạ viện. Gần 100 người, bao gồm cả cảnh sát đã bị thương trong vụ này. Nhiều người lo ngại trong thời gian tới, đất nước hình chiếc ủng sẽ bị "nhấn chìm" trong các cuộc biểu tình khi lực lượng phản đối chính phủ liên kết với các tổ chức chống lại chính sách cắt giảm chi tiêu.
Thị trường Italia đã có một số phản ứng tích cực sau khi chính phủ vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Thế nhưng, vị Thủ tướng nhiều tai tiếng còn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể "san bằng" được núi nợ công dự kiến lên tới 118% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2011 - cao thứ hai tại châu Âu chỉ sau Hy Lạp.
Tháng 1 tới, Tòa án hiến pháp Italia sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu để quyết định liệu luật miễn trừ truy tố - cho phép thủ tướng và các vị trí cấp cao trong chính phủ không bị ra tòa trong thời gian đương nhiệm - được chính phủ thông qua có vi phạm hiến pháp hay không. Đây chắc chắn sẽ là một cuộc "sát hạch" mới và không hề dễ chịu với người đứng đầu Chính phủ Italia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.