(HNM) - Đến 0 giờ ngày 14-10, 17 trong số 33 thợ mỏ bị mắc kẹt trong hầm khai thác mỏ đồng và vàng San Jose ở Chile (cách thủ đô Santiago của Chile khoảng 850km về phía bắc) đã hơn hai tháng được đưa lên mặt đất.
Florencio Avalos (giữa) - người đầu tiên trong số 33 thợ mỏ mắc kẹt được đưa lên mặt đất trong vòng tay đón mừng của Tổng thống Chile S.Pinera (áo đỏ) và các nhân viên cứu hộ. |
Đây là cuộc giải cứu diệu kỳ vì 33 thợ mỏ này đã trải qua 69 ngày chờ đợi cứu hộ ở độ sâu 700m dưới lòng đất; đồng thời cũng là cuộc cứu hộ dài ngày và kỳ công nhất trong lịch sử khai khoáng trên thế giới.
Từ nửa đêm ngày 12-10 (sáng 13-10 giờ Việt Nam), nhân viên đầu tiên trong nhóm cứu hộ gồm 5 người đã được đưa xuống lòng đất bằng một khoang cứu hộ mang tên Phượng Hoàng, đi qua địa đạo thẳng đứng mới khoan dài 622m (trong đó có 96m được lắp đường ống sắt) để giải cứu 33 thợ mỏ đang bị mắc kẹt. Chiếc cabin đặc biệt này nặng 400kg được neo bằng hệ thống cáp 800kg qua hệ thống ròng rọc sẽ thực hiện quãng đường ước tính lên đến 50km để đưa toàn bộ các thợ mỏ lên mặt đất với thời gian dự tính là 36 tiếng.
Ngay sau khi tới đáy đường khoan, đội cứu hộ đã hối hả giúp những người thợ mỏ bị chìm sâu trong lòng đất hơn 2 tháng chinh phục quãng đường "trở lại mặt đất". Theo kế hoạch giải cứu, 4 người thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất phải là người khỏe mạnh và minh mẫn nhất để có thể giúp những người còn lại biết đích xác họ cần làm gì, 10 thợ mỏ tiếp theo sẽ là những người ốm yếu nhất, thợ mỏ cuối cùng rời khỏi khu hầm lò là Luiz Urzua - trưởng nhóm. Mất khoảng 15-20 phút để lồng giải cứu đưa mỗi thợ mỏ từ độ sâu 622m lên mặt đất và khoảng 1 giờ để thực hiện giải cứu người kế tiếp. Ngay sau khi được giải cứu, các thợ mỏ sẽ được trực thăng không quân Chile đưa về thành phố Copiapo gần đó để điều trị. Tổng thống Chile Sebatian Pinera đã có mặt tại hiện trường, chúc nhóm cứu hộ thành công; đồng thời gửi gắm niềm hy vọng và tin tưởng của thân nhân những người đang mắc kẹt cũng như của toàn bộ 17 triệu người dân đất nước Nam Mỹ này.
Đúng 10h10 (giờ Việt Nam), Florencio Avalos 31 tuổi là thợ mỏ đầu tiên trong số 33 thợ mỏ bị mắc kẹt được đưa lên mặt đất an toàn trong niềm vui khôn tả của người thân.
Người dân Chile xem sự kiện tìm thấy những nhân vật chính của "trường ca" giải cứu này sau hơn 2 tuần lễ bị tai nạn (ngày 22-8) là một phép lạ. Trước đó, những nỗ lực tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng đã bùng cháy khi đội cứu hộ phát hiện một tờ giấy trắng với những nét chữ màu đỏ "Chúng tôi vẫn sống và hiện ở trong hầm trú ẩn" của các thợ mỏ. Sau khi phát hiện những thợ mỏ này còn sống, các kỹ sư đã bắt đầu lập kế hoạch đào một đường hầm cứu hộ qua gần 700m đá cứng. Công việc thật không dễ dàng vì độ sâu của đường hầm và tầng địa chất của mỏ không vững chắc.
Vì thế Chính phủ Chile đã mời một nhóm chuyên gia của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) - những nhà chuyên nghiên cứu các vấn đề con người sống dài ngày trong khoảng không khép kín - để trợ giúp các thợ mỏ về mặt thể chất và tinh thần trong lúc chờ cuộc giải cứu chưa xác định được hồi kết.
Giờ đây, cả thế giới đang hướng về Chile để dõi theo những điều kỳ diệu vẫn có thể xảy ra trong cuộc sống. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả sau sự kiện này là bài học muôn thuở về vấn đề an toàn lao động cho những người thợ mỏ.
Ở Chile, ngành mỏ là một công việc hấp dẫn vì mức lương cao nhưng đây cũng là một trong những công việc nguy hiểm nhất ở quốc gia Nam Mỹ này. Những người thợ mỏ Chile mỗi tháng kiếm được hơn 4 lần mức lương tối thiểu (1.500 USD), được coi là mức lương mơ ước của bất cứ công dân Nam Mỹ nào, nhưng để có nó họ phải mạo hiểm mạng sống của mình. Công nghiệp mỏ là một ngành quan trọng của Chile. Hằng năm, chỉ riêng thu nhập từ các mỏ đồng đóng góp 1/3 tổng thu nhập của Chính phủ. Các vụ sập hầm mỏ như ở San Jose, nơi 33 thợ mỏ kẹt dưới lòng đất, không phải là hiếm gặp ở đây.
Sau sự cố hầm mỏ San Jose, Chính phủ Chile (ngày 26-8 vừa qua) đã đóng cửa 30 hầm mỏ vì lý do an toàn. Số hầm mỏ bị đóng cửa có công suất bằng 0,04% tổng sản lượng khai thác, tức 2.000 tấn đồng/năm. Trong ba năm 2007-2009, mỗi năm bình quân có 39 thợ mỏ thiệt mạng tại Chile. Rõ ràng, vụ tai nạn đã dấy lên một hồi chuông báo động về tình hình khai mỏ ở quốc gia này và áp lực phải cải thiện an toàn lao động ở những nơi này tăng cao hơn bao giờ hết.
Tổng thống Chile S.Pinera từng nói rằng ngành khai khoáng phải rút ra bài học nghiêm khắc và tuyên bố muốn có cuộc điều tra cả về hình sự lẫn dân sự để xác định vì sao có tai nạn và ai sẽ chịu trách nhiệm trong cuộc sập hầm gây chấn động thế giới này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.