Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thờ Mẫu Huyền Trân và tục thi cá trắm

Đặng Hùng| 07/03/2010 07:26

(HNM) - Làng Tam Đường (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), hiện còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa, lễ hội truyền thống có từ thời Trần. Những ngày đầu xuân, đặc biệt là rằm tháng hai, hội đình, đền Trần, đền Mẫu tại làng được tổ chức rất long trọng. Lễ hội có nhiều trò vui: chọi gà, đấu võ, thi thả diều, rước kiệu, bơi thuyền... nhưng gây tò mò nhất cho du khách là tục thi cá trắm luộc không có ở địa phương nào trong cả nước.

Mẫu được thờ ở đền làng Tam Đường, nằm cạnh sông Thái Sư và làng Tây Nha (Tiến Đức) là Huyền Trân công chúa, "con gái vua Trần Nhân Tông, lấy vua Chiêm Thành là Chế Mân (1306). Sau khi vua Chế Mân chết, bà được vua Trần cho Trần Khắc Chung vào Chiêm Thành đón về Đại Việt năm 1308" ("Đại Việt sử ký toàn thư" - Kỷ nhà Trần). Sau, Huyền Trân công chúa xin vua cho về Thái Đường phường, phủ Long Hưng (nay là làng Tam Đường), lập am thờ Phật. Em gái bà là Diệu Dung công chúa thương chị, cũng xin vua cho về lập trang ấp ở làng Vân Đài (nay thuộc thôn Vân Đài, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà), cách làng Tam Đường không xa. Hai bà xây dựng thái ấp, mộ dân lưu tán khai khẩn đất hoang, trồng lúa nước, dạy nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và các điệu múa trong cung đình... Đến nay, các điệu múa này vẫn tồn tại trong các ngày lễ hội đầu xuân ở địa phương. Vì có công với dân làng Tam Đường nên sau khi mất, Huyền Trân công chúa được lập đền thờ và được tôn vinh là Mẫu (mẹ). Đền thờ bà được gọi là đền Mẫu.

Hiện ở đền Mẫu còn giữ được một số sắc phong thời vua Khải Định. Trong sắc phong, bà Huyền Trân là "Kinh Y Diệu Từ Ân Công Chúa", em bà là "Tôn Thần Diệu Dung Công Chúa". Hằng năm, dân làng mở hội để tưởng nhớ vào ngày mất của bà, 15 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức thi cá trắm luộc giữa các giáp trong làng.

Theo các bậc cao niên, tập tục này được tổ chức để mọi người nhớ tới thuở hàn vi của tổ tiên nhà Trần, khi ấy sống bằng nghề chài lưới và thường ghép tên mình với cá: Trần Kinh với cá kình, Trần Hấp với cá trắm, Trần Lý với cá chép, Trần Thừa với cá trê, Trần Liễu với cá nheo, Trần Thị Dung với cá ngừ... Thái ấp nhà Trần phong cho Trần Thị Dung xưa kia có tên gọi là ấp Ngừ (nay thuộc làng Ngừ, xã Liên Hiệp, Hưng Hà). Làng Tam Đường có ba thôn, trước ngày thi cá trắm luộc ở đình, đền thì các giáp ở mỗi thôn đều tổ chức thi cá chép sống và chọn ra một giáp đứng đầu có cá to nhất. Ngày thi cá trắm luộc ở đền Trần, đền Mẫu là ngày hội chính của làng. Cá được chọn thi phải là loại cá trắm cực to (kích cỡ chiều ngang từ ba vổ tay trở lên mới được dự thi - một vổ cỡ chiều ngang bàn tay người lớn). Trước ngày thi một năm, các giáp thường cử người đi các ao trong vùng, tìm mua cá trắm to đem về thả vào ao của giáp. Giáp trưởng chịu trách nhiệm chăm, nuôi cá. Ao thả cá phải thoáng mát, nước sạch. Đến ngày, làng thuê thợ về gò nồi luộc cá. Nồi thường gò theo hình chữ nhật, được ghép bởi nhiều tấm đồng, dài rộng tùy theo kích cỡ của cá. Khi luộc không được để cá bong vẩy, không được quăn vây (vây cá phải thẳng đứng theo thân cá, thịt cá phải thơm ngon do được ướp các gia vị trước khi luộc). Cá được để trên một chiếc mâm bồng hình chữ nhật, trên phủ vải điều, con cá nằm ở thế tự nhiên giống như tư thế đang bơi, trông thật đẹp và hấp dẫn. Thông qua lễ hội này, dân làng hy vọng năm mới làm ăn phát đạt, được khỏe mạnh, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thờ Mẫu Huyền Trân và tục thi cá trắm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.