Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thơ của các tác giả thời chống Mỹ

ANHTHU| 29/04/2004 08:09

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, quy giang sơn về một mối, đã sản sinh ra một thế hệ nhà thơ, mà sau này, người ta quen gọi là thơ chống Mỹ. Họ là một dàn đồng ca mang âm hưởng hào hùng, trong sáng, biết trộn lẫn cái tôi vào cái ta, biết quên mình vì  lý tưởng cao đẹp. Nhân kỷ niệm 29 năm Ngày Chiến thắng 30-4, Hànộimới Điện tử xin trân trọng giới thiệu một chùm thơ dưới đây...

Chúng con chiến đấu cho người sống mãi
Việt nam ơi
(Nam Hà)

Đất nước

Bốn ngàn năm không nghỉ

Những đạo quân song song cùng lịch sử

Đi suốt thời gian đi suốt không gian

Sừng sững giữa trời anh dũng hiên ngang

Đất nước của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt

Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt

Trên mỗi con đường, mỗi con xóm ta qua

Từ non ngàn cho tới biển xa

Đất nước của những chiến công hiển hách

Của những con người không bao giờ khuất

Của những tâm hồn! Ôi! Đất nước Việt nam

Mà ta yêu quý vô vàn

Đất nước

Của thơ ca

Của bốn mùa hoa nở

Đọc trang Kiều tưởng câu dân gian

Nghe xôn xao trong gió nội mây ngàn

Đất nước

Của những dòng sông

Gọi tên nghe mát rượu tâm hồn

Ngọt lịm những giọnghò xứ sở

Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa

Đất nước

Của những người mẹ

Mặc áo thay vai

Hạt lúa củ khoai

Bền bỉ nuôi chồng nuôi con chiến đấu

Đất nước

Của những người con gái con trai

Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép

Xa nhau không hề rơi nước mắt

Nuớc mắt để dành cho ngày gặp mặt

Đất nước

Của Bác Hồ

Của óc thông minh và lòng dũng cảm

Của những đèn pha cách mạng

Soi sáng chân trời xuyên suốt đại dương

ơi tuổi thanh xuân

Mang bốn ngàn năm lịch sử trong tim

Ta sung sướng được làm người con đất nước

Ta băng tới quân thù như triều như thác

Ta làm bão giông

Ta thay chuyển đất

Ta trút căm hờn làm nên những vinh quang bất diệt

Sức mạnh bốn ngàn năm đã biến thành bão lửa ngút trời

Đất nước!

Ta hát mãi bài ca đất nước

Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc

Cho mắt ta nhìn tận cùng trời

Và cho chân ta đi tới cuối đất

Ôi tổ quốc mà ta yêu quý nhất

Chúng ta chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!

Đường Trường Sơn 1964

Bình Thuận 1966

Trên đường (Nguyễn Khoa Điềm- 1975)

Rồi bạn đi với tôi qua những bờ tường trắng

Sau chiến tranh

Những ngôi nhà như tinh thể kết bất ngờ trong hạnh phúc

Định hình tất cả niềm vui và sự thật

Bằng gỗ, bằng vôi và giấc mơ ngày lên đường

Những ngôi nhà thành phố tuổi thơ tôi

Bạn đi cùng với tôi trên vỉa hè rạn vỡ

- Đây những gì chúng ta đã sống và đã chết

Người con gái áo trắng đi về tương lai nào đó

- Đây những gì chúng ta đã đổ máu và hát ca

Những hàng phượng mang nắng từ tương lai thành phố

- Đây là những gì giúp ta cao hơn một tầm nhìn

Một người mẹ gánh nặng trở về

- Đây là những gì chúng ta mang mẻ và hy vọng

Bạn ơi

Bạn nghe tiếng trở mình cả thành phố thân yêu

Mây trắng chất ngất và lòng ta đầy dự tưởng

Những em bé nhặt lá khô bên lề đường

Anh bộ đội vụng về sau ngày đánh giặc

Đằng sau buổi chia ly, đằng sau lần gặp

Tâm hồn ta như cánh rừng xa khuất

Lại xanh màu và mãi âm vang....

Phan Thiết có anh tôi (Hữu Thỉnh)

Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ

Đất thì rộng, anh không vuông đất nhỏ

Đất và trời Phan Thiết có anh tôi

Chính ở đây anh thấy biển lần đầu

Qua cửa hầm

Sau những ngày vượt dốc

Biển thì rộng căn hầm quá chật

Khẽ trở mình cát để trắng hai vai

Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi

Tim anh đập không sao ghìm lại được

Gió nồng nànhơi nước

Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi

Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya

Những người lính mở đường đi lấy nước

Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp

Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi

Biển ùa ra xoắn lấy mọi người

Vì yêu biển mà họ thành sơ hở

Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ

Mặt anh còn cách nước một vài gang

Anh ở đây mà em mãi đi tìm

Em hy vọng để lấy đà vượt dốc

Tân Cảnh

Sa Thầy

Đắc Pét

Đắc Tô

Em đi qua những cơn sốt em qua

Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp

Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết

Em một mình đứng khóc ở sau xe

Cánh rừng còn kia, trận mạc còn kia

Vài bước nữa thì tới đường Số Một

Vài bước nữa

Thế mà

Không thể khác

Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi

Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì

Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng

Anh chưa biết đã tan cơn báođộng

Chưa biết tin nhà chưa nhận ra em

Không nằm trong nghĩa trang

Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ

Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình

Đồi ở đây cũng là con của mẹ

Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em.

Ánh đèn khuya Phan Thiết bước vào đêm

Đèn thành phố soi người đi câu cá

Anh không ngủ người đi câu không ngủ

Biển đêm đêm trò chuyện với hai người

Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi.

Khoảnh khắc giao liên (Trần Ninh Hồ - Tây Trường Sơn 1971)

Cứ ngỡ anh chưa đến

Sao anh đã đi rồi

Tiếng nói ai vừa nói

Hầm sáng nét ai cười

Bàn tay ai còn ấm

Sốt rừng tóc ai rơi

Gươngtựa tường dõi bóng

Bằn bặt mặt gương soi

Lá rừng hay sắc áo

Lối mòn nguyên dáng người

Lòng ta nguyên nỗi đợi

Nguyên khắc giờ không trôi

Ráng chiều hay lửa trận

Cháy mãi phía chân trời...

Đêm 30-4-1975 (Bằng Việt - 1975)

Đất vẫn hôm qua, mà nay bước bàng hoàng

Nghe cả dải núi sông đang nối liền trở lại

Nghe thầm mát tự Cà Mau xa ngái

Hơi rừng yên, tí tách dưới cơn mưa

Bạn bè khắp miền Nam, giờ ai ngủ hay chưa?

Đêm nay dẫu ở đâu chẳng nhớ nhau nhiều nhất

Không gương mặt nào quên, không chuyện gì qua mất

Mà không choán tâm trí mênh mông

Trong lòng sáng rõ hơn, giàu thương mến, bao dung

Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ

Cái giây phút một đời người mới có

Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ trong mơ

Đêm nay hai miền lắc rắc cơn mưa

Mưa hòa thuận, mưa đầu mùa rạo rực

Chiến thắng như mưa nhuần tưới đất

Cỏ trăm miền mới nhú đã liền nhau

Những em bé sơ sinh cất tiếng khóc ban đầu

Nghe rất rõ trong đêm: Đất trời im tiếng nổ

Dọc Hà Nội - Sài Gòn đềurợp ảnh Bác Hồ và rợp màu cờ đỏ

Chỉ riêng các em còn chưa biết:

Mình thành lứa công dân đầu tiên của đất nước đã đoàn viên!

Giới thiệu và tuyển chọn: Nhà thơ Đặng Huy Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thơ của các tác giả thời chống Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.