(HNM) - Tình trạng làm giả con dấu, chữ ký, số hiệu văn bản… của các văn phòng công chứng (VPCC) đã đến mức báo động, nhưng phương án khắc phục lại chưa triệt để. Đây là thực tế được nhiều công chứng viên hành nghề này xác nhận.
Được phát hiện mới đây là vụ làm giả con dấu và chữ ký của VPCC Việt Tín. Hiện nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 30 hồ sơ bị các đối tượng xấu làm giả các văn bản hợp đồng công chứng ủy quyền của một VPCC khác, theo đó các đối tượng được ủy quyền được bán, sang nhượng các tài sản nhà, đất ở của người khác. Sau đó, chúng mang hợp đồng ủy quyền này đến VPCC Việt Tín để công chứng hợp đồng mua bán tài sản cho người mua. Theo Sở Tư pháp Hà Nội, vụ việc xảy ra tại VPCC Việt Tín dù chưa có kết quả điều tra cụ thể, nhưng chắc chắn nếu không phải đây là sai phạm cố ý của VPCC Việt Tín, thì VPCC này cũng đã phạm sai sót vô cùng sơ đẳng, đó là chấp nhận bản photo của hợp đồng công chứng ủy quyền để tiến hành công chứng hợp đồng mua bán tài sản, dẫn đến tiếp tay cho hành vi lừa đảo.
Để ngăn chặn tình trạng kể trên, Sở Tư pháp Hà Nội đang tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kêu gọi các VPCC liên kết với nhau để cùng phát hiện những hợp đồng đã giao dịch ở VP này nhưng lại tiếp tục thực hiện giao dịch ở VP khác. Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu chung về công chứng trên mạng internet để giúp công chứng viên ở VPCC tại các tỉnh, TP trên cả nước phát hiện những hợp đồng công chứng phạm pháp. Hiện khối công chứng nhà nước đều đã được khai thác dữ liệu về bất động sản tại địa phương đang bị cơ quan tòa án, công an, thi hành án ra quyết định ngăn chặn giao dịch qua phần mềm Master. Nhưng không hiểu sao khối công chứng tư sau 3 năm được phép hoạt động vẫn chưa được Bộ Tư pháp cho hưởng những ưu ái này. Trong khi đó, đây vẫn chưa thể coi là giải pháp triệt để. Một trong những nguyên nhân là ở một số huyện chưa có VPCC thì việc công chứng giao dịch vẫn giao cho UBND xã và những dữ liệu giao dịch ở xã thì còn lâu mới có thể đưa lên "mạng". Và, khi hệ thống dữ liệu không được cập nhật liên tục và đồng bộ thì có thiết lập được cũng chưa hoàn thiện.
Các VPCC đang mong Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sớm khắc phục tình trạng bất cập này, nhằm giảm hiện tượng sai sót, tiêu cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.