(HNMO) - Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, kháng sinh và thuốc tê là hai nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất. Thế nhưng, bệnh viện đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa khi thuốc tê chỉ còn đủ cho 2 tuần nữa.
Chiều 16-9, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022, ông Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc tê tại bệnh viện.
Theo đó, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, kháng sinh và thuốc tê là hai nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất. Với thuốc kháng sinh, bệnh viện vẫn đảm bảo đủ nguồn cung trong thời gian qua, không xảy ra thiếu hụt. Tuy nhiên với thuốc tê, nguy cơ hết thuốc đang hiện hữu.
Thuốc gây tê được chia làm 2 loại là chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc tê có chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng lại có nhược điểm là gây tăng huyết áp. Vì thế, người bệnh bị tăng huyết áp, nhịp tim nhanh không chỉ định dùng loại này.
“Còn 2 tuần nữa là chúng tôi hết thuốc tê. Nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao vì 2/3 dịch vụ ngoại trú sử dụng thuốc tê”, ông Phạm Thanh Hà lo lắng.
Với một số loại thuốc tê đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng cũng rất khó. Bởi, hiện nay, theo các công ty dược, giấy phép chưa được gia hạn. Sắp tới, vấn đề cung ứng thuốc tế sẽ rất khó khăn.
Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Phạm Thanh Hà cũng cho hay, thời gian kể từ khi công ty đăng ký nhập cho đến khi về được Việt Nam thì phải mất đến 3-4 tháng. Trong khi đó, hiện chỉ có 2-3 hãng sản xuất thuốc tê nhập về Việt Nam. Trên thế giới cũng không có nhiều nhà sản xuất thuốc tê nên việc tìm kiếm sản phẩm thay thế rất khó. Bệnh viện mong sớm có giải pháp tháo gỡ.
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về việc đề nghị nhập khẩu các thuốc thiết yếu cho điều trị.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, một số loại thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như: Suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại nặng... không có sẵn, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị của bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai đề nghị nhập khẩu 12 loại thuốc của 3 chuyên khoa (gồm: Chống độc, tim mạch và nội tiết); trong đó, có 8 loại để điều trị chống độc (ngộ độc kim loại nặng, ngộ độc chì, ngộ độc cồn công nghiệp, ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat, sốc phản vệ...) và 4 loại thuốc điều trị nội tiết và tim mạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.