Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu "nhạc trưởng" trong quy hoạch

Anh Minh| 27/07/2015 06:49

(HNM) - Công tác quy hoạch nhiều năm qua vẫn được thực hiện theo cách làm cũ, chưa đạt hiệu quả như mong muốn, thể hiện vai trò định hình, làm rõ



Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự thay đổi căn bản, từ tư duy, cách làm, quản lý để hoạt động quan trọng này phát huy tối đa tính chủ động, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển và phục vụ xã hội một cách tốt nhất.

Cần có sự thay đổi căn bản, từ tư duy, cách làm, quản lý trong quy hoạch để phát huy tối đa tính chủ động, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển và phục vụ xã hội một cách tốt nhất. Ảnh: Hà Chi


Chất lượng quy hoạch chưa như mong muốn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), chất lượng công tác QH nhiều năm qua chưa đáp ứng tốt mục tiêu phát triển KT-XH cũng như các lĩnh vực liên quan, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển từ cấp quốc gia, vùng lãnh thổ đến cấp tỉnh hoặc ngành và lĩnh vực. Trên thực tế, việc nghiên cứu QH phần lớn là do từng ngành, đơn vị chức năng thực hiện, thiếu sự liên kết giữa các ngành; lại càng thiếu sự chỉ đạo thống nhất, thiếu "nhạc trưởng" dẫn dắt, gắn kết, điều chỉnh những nội dung cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch. Điều đó dẫn tới một số hạn chế, tồn tại như QH chồng chéo, rời rạc, thiếu chính xác, thiếu tính lôgic, thiếu liên kết...

Có thể đơn cử, sự hạn chế về QH qua một số lĩnh vực như giao thông, quản lý trật tự đô thị. Đó là việc đào lên, lấp xuống liên tục tại nhiều tuyến đường, vỉa hè. Thậm chí, hoạt động này diễn ra thường xuyên đến mức người dân miêu tả là "đầu này vừa lấp thì đầu kia lại đào", làm xấu bộ mặt đô thị, ảnh hưởng đến giao thông, thậm chí gây ách tắc cục bộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Câu trả lời là vì các cấp, ngành hữu quan chưa làm tốt công tác QH, đặc biệt là chưa phối hợp tốt để kết nối giữa các QH thuộc các ngành khác nhau nhưng liên quan đến nhau như khi thi công công trình ngầm, gồm hệ thống điện, nước, cống, cáp thông tin, vỉa hè. Chính sự thiếu liên kết đó dẫn tới lãng phí thời gian, của cải xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường...

Một vấn đề khác không thể không đề cập tới là xã hội đang phải trả giá cho một thời đầu tư hàng loạt dự án xây dựng nhà máy đường, xi măng lò đứng hoặc sản xuất bia tại một số tỉnh. Việc thực hiện dự án ồ ạt, theo phong trào nêu trên đã gây hậu quả về nhiều mặt. Cũng vì vậy mà nhiều chuyên gia đã nhận xét là chúng ta vừa thừa, vừa thiếu QH, gây khó khăn, bị động đối với công tác quản lý. Đương nhiên, do chất lượng nghiên cứu QH nói chung chưa đạt chất lượng, dẫn đến việc phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung QH, càng khiến cho một địa bàn, khu vực địa lý cụ thể phải chịu thêm áp lực, rơi vào tình trạng chờ đợi, lúng túng.

Cần thay đổi tư duy, cách làm quy hoạch

Các chuyên gia nhận xét, những vấn đề trên đã diễn ra từ lâu, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, thể hiện chủ yếu thông qua việc phân tán và lãng phí nguồn lực, duy ý chí, từ đó nảy sinh những bất cập, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời gây ra những bức xúc dư luận xã hội. Vấn đề này cần được phân tích, đánh giá sâu sắc để khắc phục, để không tiếp diễn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế, với những yêu cầu và tiêu chí cao hơn hẳn so với các giai đoạn trước.

Trước thực tế trên, Bộ KH-ĐT khẳng định, cần phải thay đổi cung cách, phương pháp nghiên cứu, lập QH. Công tác nghiên cứu, lập QH trong thời gian tới sẽ được thực hiện một cách bài bản, thận trọng trên tinh thần vì đại cục, lấy quyền lợi cộng đồng làm mục tiêu tối thượng. Các QH phải tuân thủ nguyên tắc theo thứ tự, từ việc cân đối và bảo đảm quyền lợi quốc gia, đến vùng lãnh thổ và cấp tỉnh trong quan hệ tương hỗ, cũng như phải tuân thủ việc hài hòa mục tiêu phát triển, lồng ghép và phát huy tiềm năng trên từng địa bàn cụ thể. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện QH phải tuân thủ nguyên tắc cấp đối chiếu, tuân thủ QH của cấp trên để vận dụng. Quan điểm của bộ này là xác định bản chất công tác QH chính là sự phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu, định hướng và mục tiêu phát triển KT-XH trong một giai đoạn cụ thể, thông thường là từ 5 đến 10 năm.

Các chuyên gia cũng góp ý về công tác nghiên cứu QH là nên tham khảo cách làm, đặt vấn đề dựa trên yêu cầu và sự cân đối giữa tiềm năng với mục tiêu phát triển; lấy lợi ích tổng thể và con người làm trung tâm phục vụ. Riêng các QH ngành, lĩnh vực sẽ phải trình bày, lấy ý kiến và làm rõ tính khả thi để dung hòa, đối chiếu với các yêu cầu, mục tiêu phát triển của tất cả các cấp hành chính. Tóm lại, mỗi QH cụ thể sẽ được thẩm duyệt qua các tầng nấc quản lý sao cho tìm được tiếng nói chung.

Được biết, Bộ KH-ĐT đang soạn dự thảo Luật QH, tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan hữu quan và cộng đồng. Nội dung chủ đạo của văn bản này là khuyến khích sự kế thừa, phát huy kinh nghiệm của công tác lập QH thời kỳ trước, tham khảo cách làm của quốc tế và thay đổi căn bản cách lập QH, nhằm đáp ứng yêu cầu QH, từ cấp vĩ mô đến cấp tỉnh và các ngành…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu "nhạc trưởng" trong quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.