(HNM) - Ở nước ngoài, nhà xuất bản (NXB) trả nhuận bút cho tác giả theo 8% giá bìa sách và theo số lượng sách tiêu thụ trên thị trường. Tại Việt Nam, nhuận bút được các NXB trong nước tính dao động ở mức 10-15% giá bìa, dù cao hơn, nhưng tác giả không thể sống bằng nghề viết. Đâu là lý do?
Lợi dụng kẽ hở, NXB lách luật
Trao đổi với Báo Hànộimới, tác giả trẻ Lê Hữu Nam cho biết vừa phát hiện cuốn sách "Mật ngữ rừng xanh" bị Công ty Bách Việt books in thêm số lượng. Lê Hữu Nam đã yêu cầu phía công ty làm rõ số lượng sách in thêm trong lần xuất bản đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay phía Bách Việt books chưa trả lời, chỉ đồng ý trả thêm 7,5 triệu đồng cho Nam. Theo hợp đồng trước đây giữa Nam và Bách Việt books, thỏa thuận xuất bản 1.000 cuốn "Mật ngữ rừng xanh" tác giả được trả 10% nhuận bút theo giá bìa, sách tái bản thì sẽ được tiếp tục trả tiền. "Mật ngữ rừng xanh" xuất bản 1.000 cuốn, nhưng Nam đặt mua 945 cuốn để tặng và làm từ thiện. Sau đó, anh phát hiện, sách còn trên thị trường rất lớn. Cụ thể nhà sách Fahasha 300 cuốn, Phương Nam 80 cuốn, chưa kể hệ thống bán lẻ và bán trên mạng tiki.vn. Sau nhiều ngày đấu tranh, đòi làm rõ số sách bị in thêm, Lê Hữu Nam nhận được lời xin lỗi từ phía Bách Việt books. Tuy nhiên, số lượng sách cụ thể bị in thêm bao nhiêu thì phía công ty không trả lời. Vì quá mệt mỏi trong quá trình đấu tranh đòi lại quyền lợi cho tác giả, Lê Hữu Nam đành phải chấm dứt hợp đồng với Bách Việt books.
Công tác quản lý xuất bản vẫn còn nhiều bất cập dẫn tới tình trạng tràn lan ấn phẩm in lậu trên thị trường. Ảnh: Mạnh Hà |
Theo Lê Hữu Nam, các nhà xuất bản sách ở Việt Nam không tôn trọng tác quyền. Tình trạng tự ý in thêm không đúng số lượng trên hợp đồng diễn ra phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân mà các tác giả Việt Nam không thể sống được bằng tiền bán sách, trong khi các tác giả sách nước ngoài kiếm được lợi nhuận từ lượng sách bán ra thị trường. Ông Vũ Ngọc Hoan - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Việt Nam thừa nhận, chuyện NXB in thêm, in không đúng số lượng là chuyện có thật đang diễn ra ở Việt Nam. Ở đây có hai trường hợp số lượng bản in ra không quản lý được: Một là do NXB cố tình in vượt quá số lượng quy định trên bìa sách, trường hợp thứ hai sách đã bị in lậu. Ở các nước phát triển, họ có hệ thống thông tin, nên họ có thể kiểm tra được số lượng sách đã bán. Tại Việt Nam, sách được giao dịch theo kiểu hàng hóa ngoài chợ, nên không thể kiểm soát số lượng đầu ra. Do đó, chúng ta chỉ áp dụng quản lý, trả nhuận bút tác giả sách trên số lượng bản in, dẫn đến tình trạng thiếu sự công bằng cho tác giả là một thực tế đang diễn ra.
Chính vì tồn tại dai dẳng sự nhập nhằng, gian lận này mà các NXB nước ngoài đã kiểm soát gắt gao khi chuyển bản quyền sách cho Việt Nam. Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam thừa nhận: "Tôi đặt đến vấn đề mua bản quyền để dịch, đưa về tiêu thụ tại Việt Nam. Chúng tôi đề nghị xuất bản 1.000 cuốn, phía NXB nước ngoài không đồng ý. Họ cho rằng không có chuyện một đất nước 90 triệu dân, mà chỉ bán được 1.000 cuốn sách. Do đó, phía NXB nước ngoài đã bắt NXB Việt Nam trả tiền trước tối thiểu cho 5.000 cuốn thì mới đồng ý chuyển nhượng bản quyền".
Gặp khó vì thiếu thông tin tác quyền
Tại buổi tọa đàm Bản quyền sách vừa được tổ chức tại NXB Trẻ - TP Hồ Chí Minh, nhiều NXB, công ty liên kết xuất bản tiếp tục đề cập đến vấn đề dữ liệu thông tin tác giả và tác quyền Việt Nam yếu kém hiện tại đang gây khó cho hoạt động xuất bản. Ông Đồng Phước Vinh - Giám đốc Ebooks của NXB Trẻ kể, có đơn vị xuất bản muốn tái bản cuốn sách do NXB Cửu Long mua bản quyền, nhưng NXB Cửu Long đã giải thể trước năm 1975, không hề có một chút đầu mối thông tin để liên hệ. Đại diện Công ty Sách Thị Nghè cũng chia sẻ, công ty muốn liên kết xuất bản một cuốn sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn ra đời từ khoảng năm 1940, nhưng hiện tất cả thành viên nhóm đã mất và việc đi tìm người thân thuộc hàng thừa kế rất khó khăn. Do không tìm được, NXB đã không thể xuất bản. Có nhiều tư liệu quý trước năm 1975, các đơn vị muốn tham gia tái bản nhưng đều rơi vào ngõ cụt.
Ông Vũ Ngọc Hoan cho biết, đây là một vấn đề phức tạp, vì chủ thể sở hữu thuộc NXB Cửu Long, thuộc chế độ cũ, theo quy tắc tài sản sẽ được xung vào quỹ công. Tuy nhiên, trong Luật Bản quyền sách hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Theo TS Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong trường hợp này cần xử lý theo hướng "mềm dẻo". NXB vẫn được xuất bản cuốn sách trên và không phải trả nhuận bút, tuy nhiên cần tôn trọng thế hệ xuất bản trước 1975 bằng cách ghi "Bản quyền thuộc về..." .
Để tránh những hạn chế thông tin về tác quyền và thông tin tác giả sách. Ông Đồng Phước Vinh - Giám đốc Ebooks của NXB Trẻ đã đề xuất, cần thiết phải sớm lập một trung tâm tác quyền điện tử và công bố lên website để giúp NXB, công ty kinh doanh sách tra cứu thông tin. Trung tâm này đóng vai trò là ngân hàng dữ liệu điện tử, do Hội Xuất bản Việt Nam điều hành. Trong tương lai, sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng bản thảo thực hiện việc mua bán bản quyền trên mạng, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho xã hội, cũng như tạo điều kiện cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có điều kiện phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.