(HNM) - Từ năm 2010 đến nay, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Bộ Tư pháp đã phát hiện trên 410 văn bản (VB) có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 19,24% số VB đã được kiểm tra.
Căn cứ Nghị định số 40/2001/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ, đối với những VB sai căn cứ ban hành hoặc thể thức, kỹ thuật trình bày mà không ảnh hưởng đến nội dung, Cục thường xuyên nhắc nhở, rút kinh nghiệm chung thông qua các buổi làm việc cũng như tại các hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho tổ chức pháp chế các bộ, ngành, các sở tư pháp địa phương.
Còn những VB sai thẩm quyền hoặc trái pháp luật, Cục đã tổ chức trao đổi, thảo luận với các đơn vị liên quan và có thông báo, yêu cầu cơ quan, người đã ban hành tự kiểm tra, xử lý theo quy định. Nhưng điều đáng buồn là trong 30 thông báo được Cục gửi đi, đến nay chỉ có 5 bộ (Công thương, Tài chính, Y tế, LĐ-TB&XH, NN&PTNT) và 7 địa phương, trong đó có Hà Nội trả lời về việc xử lý 12 VB có dấu hiệu trái pháp luật. Các đơn vị còn lại chưa có bất kỳ động thái phúc đáp nào. Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL khẳng định, đây là biểu hiện của việc không tuân thủ quy định của Chính phủ trong hoạt động ban hành, kiểm tra và xử lý VBQPPL.
Công tác kiểm tra VBQPPL tuy là "hậu kiểm" nhưng luôn được đánh giá cao vì góp phần thanh lọc VB không chuẩn, tạo môi trường kinh doanh năng động và thông thoáng, giảm khiếu nại, tố cáo. Bước vào năm 2011, đại diện các bộ, ngành địa phương cần nâng cao nhận thức, đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong khâu kiểm tra, xử lý VBQPPL. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, đề xuất một cơ chế phối hợp với các đơn vị bị "tuýt còi" trong việc chỉ đạo, giải quyết các kết quả kiểm tra VBQPPL, làm tiền đề để công tác này đạt kết quả tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.