(HNM) - Cuối tuần qua, trong một dịp nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển của mô hình Cao đẳng (CĐ) cộng đồng tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đều có chung nhận xét: Ở nước ta, mô hình này vẫn còn là một khái niệm chưa quen thuộc.
Nhận thức về khái niệm này còn hạn chế từ cấp lãnh đạo tầm trung tới những nhà hoạch định chính sách. Điều này đang làm cho mô hình đào tạo này chưa phát huy được "cái hồn" của một hình thức đào tạo rất mở.
Mô hình Cao đẳng cộng đồng đang được nhiều người quan tâm. |
Quen mà lạ
Nếu như các trường ĐH thường hướng tới đào tạo hàn lâm và nghiên cứu khoa học thì các trường CĐ cộng đồng tập trung vào kỹ năng để sinh viên tốt nghiệp có thể làm tốt một hay một số công việc tương đối cụ thể. Các chương trình đào tạo ĐH thường mang tính phổ biến trong toàn quốc, trong khi CĐ cộng đồng thường mang "tính địa phương", tập trung thỏa mãn nhu cầu của địa phương, đào tạo theo "đặt hàng" của các doanh nghiệp. Về thời gian học tập, các trường CĐ cộng đồng thường không giới hạn khoảng thời gian tối đa. Mặt khác, trong khi các trường ĐH thường đặt ra yêu cầu về năng lực cá nhân và năng lực học tập của người học khá cao thì CĐ cộng đồng thường "tuyển sinh mở", tức là đặt ra các yêu cầu tuyển sinh phù hợp với từng chương trình và tạo cơ hội tối đa để mọi người đều có thể ghi danh vào học bất kể trình độ học vấn và năng lực học tập cá nhân.
Ông Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hiệp hội CĐ cộng đồng Việt Nam giải thích: "Các trường CĐ cộng đồng thiên về năng động "đáp ứng" những gì mà cộng đồng cần và chính cộng đồng cho là ưu tiên, hơn là "thực hiện" những nhiệm vụ và chỉ tiêu đào tạo do các cơ quan chủ quản giao".
Đặc biệt, điều được xem như "cái hồn" của các trường CĐ cộng đồng là mô hình học tập suốt đời. Nó cho phép người học dễ dàng lựa chọn chương trình và thời điểm học tập phù hợp với điều kiện cá nhân. Người học có thể dừng việc học sau khi đến một "điểm dừng" nhất định và có thể quay lại học nhiều lần và nhà trường không đặt ra giới hạn tuổi tác đối với người học. Điểm dừng này có thể là 3 tháng, 6 tháng, 12 hay 36 tháng... Hơn nữa, tổng chi phí học tập tại các trường này thấp hơn rất nhiều so với tại các trường ĐH do trường CĐ cộng đồng thường đóng trên địa bàn nên người đi học không phải đi xa.
Thế mạnh chưa được phát huy
Mặc dù có nhiều thế mạnh phù hợp với sự phát triển của đất nước, song theo như ông Phạm Tiết Khánh, sau 10 năm xuất hiện, CĐ cộng đồng vẫn chỉ là mô hình thí điểm nên khung pháp lý quy định về cơ chế quản lý, hoạt động, sự quảng bá thông tin đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, sứ mệnh của loại hình trường trong xã hội còn hạn chế. Điều này dẫn tới những khó khăn cụ thể cho các trường. Trong khi bản chất của mô hình CĐ cộng đồng là sự liên thông để đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng của cộng đồng thì hiện nay việc này còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế ràng buộc. Việc đào tạo theo địa chỉ cũng chưa có những chính sách cụ thể. Mô hình chưa hoàn chỉnh, chưa nêu bật lên được những thế mạnh đặc trưng so với các loại hình trường khác nên nguồn tuyển sinh của CĐ cộng đồng hiện cũng khá khó khăn. Trong khi đó, theo ông Khánh, lẽ ra nguồn tuyển không phải là vấn đề với cơ chế mở của CĐ cộng đồng, không phải thi đầu vào, lại là loại hình trường đào tạo đa ngành, đa cấp.
Bên cạnh đó, "linh hồn" của mô hình là các "điểm dừng" linh hoạt trong quá trình học tập cũng gần như chưa được áp dụng. Theo quy chế tạm thời được áp dụng từ năm 2006 tới nay, người học vẫn phải thi đầu vào, nghỉ học không được bảo lưu kết quả, bị đuổi học... Ngoại trừ ĐH Trà Vinh đã xây dựng được các điểm dừng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng cho hầu hết các chương trình CĐ của mình, tất cả các trường CĐ cộng đồng còn lại chưa thực hiện được điều này.
Về những rào cản khiến cho mô hình CĐ cộng đồng khó vươn lên, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Nguồn lực hỗ trợ cho các trường CĐ từ phía TƯ và địa phương còn quá khiêm tốn. Từ TƯ đến các địa phương chưa thành lập cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực. Bà Ngô Thị Minh cũng cho biết: Nhiều trường nghề, trường ĐH, trường THCN ở các địa phương đang được thành lập khá nhanh. Trong khi đó, các bộ, ngành chức năng chưa có sự thống nhất trong việc tham mưu với Chính phủ để chỉ đạo quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo tại các địa phương vốn đang rất chồng chéo, gây nhiều lãng phí về vật chất, về con người. Đó là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sự phát triển các trường CĐ cộng đồng của nước ta hiện nay.
Để vượt lên những thách thức này trong thời gian sắp tới, theo ông Phạm Tiết Khánh, trước tiên mô hình CĐ cộng đồng sẽ được tập trung hoàn thiện bên cạnh việc giám sát và quản lý sự phát triển hệ thống CĐ cộng đồng hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.