(HNM) - Theo quy định của Luật BHYT chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2009, người có công (NCC) được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT.
Tuy nhiên, mãi đến tháng 5-2010, BHXH Việt Nam mới có văn bản khắc phục sai sót trong việc cấp mã thẻ BHYT cho đối tượng là người hưu trí có công từ mã HT5 thành HT2. Theo đó, các đối tượng NCC với cách mạng có thẻ BHYT mã HT2 sẽ được hưởng toàn bộ quyền lợi khi khám, chữa bệnh (KCB) mà không phải cùng chi trả 5% viện phí. Điều đáng nói, việc liên tiếp thay đổi thẻ BHYT cho các đối tượng hưu trí đã dẫn đến tình trạng lãng phí không ít tiền của của Nhà nước và là nguyên nhân gây quá tải tại các cơ quan BHXH cấp quận, huyện...
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 6 triệu người hưu trí, trong đó hơn 3 triệu là NCC. Đây là những người có thời gian hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, huân, huy chương chiến thắng. Với đối tượng hưu trí là NCC sẽ được đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT từ mã số 5 sang mã số 2 và không phải cùng chi trả chi phí KCB bằng BHYT. Trước sự đòi hỏi quyền lợi KCB bằng BHYT theo luật quy định là rất lớn, cơ quan BHXH đã không hề có hướng dẫn để BHXH các địa phương tổ chức thực hiện. Mãi đến đầu tháng 4-2010, BHXH Việt Nam mới tổ chức tập huấn về thực hiện Luật BHYT cho cơ quan BHXH các tỉnh phía Bắc. Sau đó, hầu hết cơ quan BHXH các địa phương đã thực hiện đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT cho NCC, nhưng do không có hướng dẫn về thủ tục, quy trình, quy định... nên việc đổi thẻ diễn ra ở mỗi nơi một khác. Ngay trong cùng một địa phương nhưng quy định ở mỗi quận, huyện cũng khác nhau, điều này đã gây bức xúc cho đối tượng là NCC trong việc thực hiện chính sách BHYT và chính sách NCC.
Hà Nội có nhiều đối tượng hưu trí là NCC, tuy nhiên việc đổi mã, quyền lợi ghi trên thẻ BHYT cho họ cũng diễn ra khá lộn xộn do không có sự chỉ đạo thống nhất ngay từ đầu, cơ quan BHXH mỗi quận, huyện quy định thủ tục đổi thẻ có khác nhau. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các văn bản chỉ đạo việc đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT cho NCC của BHXH thành phố Hà Nội và BHXH Việt Nam ban hành đã bộc lộ sự thiếu thống nhất, lúng túng, bị động, không sâu sát thực tế do chưa chủ động nghiên cứu kỹ Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật.
Luật BHYT đã có hiệu lực từ ngày 1-10-2009; Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27-7-2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT cũng chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Với khoảng thời gian dài chuẩn bị, đáng lẽ BHXH Việt Nam phải nghiên cứu kỹ luật và các văn bản hướng dẫn để có chỉ đạo thống nhất trong toàn ngành, chủ động tổ chức in đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT cho NCC theo quy định ngay từ cuối năm 2009. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, khi tất cả các đối tượng hưu trí được đổi thẻ BHYT mới, BHXH Việt Nam một lần nữa lại cho in lại hàng triệu thẻ BHYT cho NCC lãng phí hàng chục tỷ đồng, gây bức xúc cho nhiều đối tượng hưu trí và NCC. Mỗi buổi sáng tại cổng trụ sở cơ quan BHXH các quận nội thành từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5-2010 có hàng trăm NCC phải xếp hàng chờ đổi mã thẻ BHYT theo quy định. Ai là người phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân cùng những phiền toái các đối tượng NCC phải chịu, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội?
Để công tác tổ chức thực hiện đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT cho NCC đi vào nền nếp và ổn định, BHXH Việt Nam cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời cần có sự chỉ đạo thống nhất, cụ thể, chi tiết trong việc đổi mã thẻ quyền lợi cho NCC theo Luật BHYT đã quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.