Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu các giải pháp an sinh, xã hội

H.Vân| 21/10/2011 18:22

(HNMO) - Chiều 21/10, thảo luận ở tổ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, nhiều ý kiến tại đoàn Hà Nội cho rằng, các giải pháp về an sinh xã hội trong báo cáo của Chính phủ còn mờ nhạt, chưa cân xứng.


Tại đoàn Hà Nội, ngoài việc phân tích các kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, các đại biểu đã dành khá nhiều thời gian cho các vấn đề về an sinh, xã hội. Theo các đại biểu, trong số 22 chỉ tiêu năm 2011, có 6 chỉ tiêu không đạt yêu cầu, chủ yếu là về chỉ tiêu xã hội thì Chính phủ cần phải nỗ lực hơn và có các giải pháp cụ thể trong 7 nhóm giải pháp thực hiện đã được đề cập trong báo cáo để khắc phục hạn chế này.

“Trong 7 nhóm giải pháp của Chính phủ, chưa có các giải pháp về an sinh xã hội, chủ yếu mới về kinh tế”, đó là nhận xét của đại biểu Đỗ Kim Tuyến.


Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch, Hòa thượng Thích Quảng Nghiêm cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá đúng thực tế xã hội đang diễn ra, Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục còn nhiều bức xúc về chất lượng giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, thiếu trường, lớp… nhưng trong báo cáo, ưu điểm vẫn nhiều hơn khuyết điểm. Ngay trong lĩnh vực an toàn giao thông, báo cáo cũng chưa đánh giá hết tình trạng đáng báo động về tai nạn giao thông và ý thức chấp hành giao thông, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…

“Báo cáo của Chính phủ còn nhiều hạn chế như vậy song tính phản biện của các ủy ban của Quốc hội rất đáng thất vọng, phản biện như vậy không thể tìm được giải pháp tốt nhất cho điều hành kinh tế vĩ mô”, đại biểu Thạch thẳng thắn nhận xét.

Cũng với quan điểm khá cứng rắn khi nhận xét về các báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị, báo cáo nên bám sát các chỉ tiêu chính trong nghị quyết mà Quốc hội đã đề ra, từ đó mới đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng, tính chính xác trong các đánh giá của Quốc hội.

Nhận xét về các yếu kém của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Bắc Son cho rằng, có nguyên nhân do quản lý nhà nước chưa tốt. Đặc biệt, tai nạn giao thông nhiều năm không giảm được, tính chất nghiêm trọng của các vụ việc ngày càng tăng, các biện pháp đề ra rất nhiều nhưng không hiệu quả…

“Nếu có một tai nạn máy bay làm vài chục người chết là quốc tang ngay, còn nước ta ngày nào cũng hơn 30 người chết âm thầm mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn, cần xem xét lại việc này, làm sao để hạn chế thấp nhất rủi ro”, đại biểu Son nói.

Cùng phân tích về tình hình xã hội, đại biểu Nguyễn Đức Chung – Phó GĐ Công an TP. Hà Nội đề cập đến một thực trạng đang gây bức xúc và ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội hiện nay: đó là hoạt động của thị trường tín dụng đen và hệ lụy của nó là hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen xuất hiện vừa qua và dự báo sẽ còn nhiều vụ vỡ nợ khác xuất hiện trong thời gian tới.

Đại biểu Chung cho rằng, Nhà nước đã có chính sách quản lý tiền mặt nhưng hiện nay, các chính sách này gần như không được quan tâm.

“Chúng ta quản lý tiền mặt quá lỏng lẻo dẫn đến lượng tiền mặt lưu thông quá lớn, tạo ra thị trường tín dụng đen và sự không lành mạnh trong quản lý tiền mặt, gây mất ổn định xã hội”, đại biểu Chung nói.

Đại biểu Chung đề nghị, Chính phủ cần thắt chặt hơn nữa quản lý tiền mặt lưu thông của các cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, đặc biệt, phải quét sạch tín dụng đen, không để tín dụng đen tồn tại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu các giải pháp an sinh, xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.