Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu an toàn các nguồn phóng xạ

Trà My| 19/11/2011 06:51

(HNM) - Không kể đến các thiết bị phát bức xạ, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang có hơn 700 nguồn phóng xạ được ứng dụng rộng rãi trong y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghiệp. Tuy nhiên, việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn đến nay còn nhiều bất cập.

Ngang nhiên vi phạm

Tại hội nghị "An ninh nguồn phóng xạ và ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2011" do Sở KHCN tổ chức ngày 11-11, ông Nguyễn Tiến Mạnh (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho biết, TP có hơn 63 cơ sở bức xạ sử dụng nguồn phóng xạ trong các lĩnh vực công nghiệp (chiếu xạ công nghiệp, soi chiếu kiểm tra an ninh…), gần 350 cơ sở y tế sử dụng khoảng 700 thiết bị X-quang… Kết quả thanh tra gần đây cho thấy có hàng chục cơ sở hết hạn giấy phép sử dụng thiết bị, như Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, Công ty Chăm sóc sức khỏe Việt, Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Hy Vọng, Doanh nghiệp tư nhân Thiên Hậu… Đặc biệt, một số bệnh viện, cơ sở y tế lớn cũng không có giấy phép cơ sở bức xạ như Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, Phòng khám đa khoa Hoàng Long, Thiên Phúc. Thậm chí, Công ty TNHH Tân Quy Đông còn sử dụng thiết bị bức xạ không khai báo.

Quá trình khai thác thiết bị phát bức xạ cũng tồn tại nhiều vấn đề. Kiểm tra 39 cơ sở, Sở KHCN phát hiện 5 đơn vị không thực hiện theo dõi liều cá nhân cho nhân viên, 14 đơn vị không lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho nhân viên bức xạ theo định kỳ 6 tháng/lần, 13 cơ sở không có quy trình hướng dẫn vận hành thiết bị an toàn và 2 cơ sở không có phương án ứng phó sự cố bức xạ, không lắp đặt biển báo tại nơi sử dụng nguồn xạ. Ngoài ra, không ít đơn vị khi vận hành thiết bị mà chưa khép cửa phòng hoặc cho nhiều người vào chờ cùng lúc trong phòng chụp…

Ông Nguyễn Tiến Mạnh khẳng định: "100% thiết bị X-quang trên địa bàn không được kiểm tra định kỳ hằng năm, đặc biệt là thiết bị có tuổi đời trên 10 năm. Việc che chắn cho bệnh nhân chụp X-quang không được thực hiện nghiêm túc theo quy trình. Ngoài ra, quy định về các cơ sở thu gom phế liệu ở các quận, huyện phải có kiến thức, thiết bị kiểm soát nguồn phóng xạ cũng chưa đi vào cuộc sống".

Thờ ơ đến bao giờ?

Theo các chuyên gia, lĩnh vực ứng dụng bức xạ nhiều nhất hiện nay chính là chụp X-quang để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, khó nhất là người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ này hầu như không biết thiết bị, cơ sở vật chất có bảo đảm hay không. Hiện còn có tình trạng sử dụng máy X-quang thông thường để chụp răng, vốn đòi hỏi công nghệ cao hơn. Ngoài ra, không ít cơ sở y tế sử dụng máy X-quang có tuổi thọ 20 năm trở lên, lẽ ra đã là "công nghệ bãi rác" từ lâu nhưng người bệnh không hay biết (!).

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và triển khai công nghệ bức xạ, cho rằng, mặc dù thời gian qua TP chưa có sự cố về mất an toàn nguồn phóng xạ; tuy nhiên cũng chưa rõ cơ sở y tế nào sẽ tiếp nhận khi có nạn nhân bị chiếu xạ quá liều. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn (do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân vừa hoàn thành nghiên cứu xây dựng) bao gồm một số nội dung chính như chương trình đào tạo kiến thức về ứng phó sự cố cho lãnh đạo, cán bộ tham gia ứng phó, nhân viên bức xạ và người dân; chương trình đào tạo chuyên sâu cho các tổ chức sẽ tham gia ứng phó sự cố; sổ tay hướng dẫn cho các lực lượng ứng phó sự cố; quy chế, quy trình, kịch bản cụ thể khi phối hợp ứng phó sự cố (giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện…). Dự kiến trong tháng cuối năm 2011 này kế hoạch sẽ được trình UBND TP xem xét, phê duyệt.

An toàn bức xạ có thể gây ra những ảnh hưởng về lâu dài rất nguy hiểm. Do vậy, các cơ quan chức năng của TP cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định an toàn bức xạ, đồng thời sớm ban hành kế hoạch ứng phó để hạn chế thấp nhất những thiệt hại khi sự cố xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu an toàn các nguồn phóng xạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.