(HNMCT) - Những ngày gần đây, chuyện người ruột thịt trong một nhà đang tâm sát hại nhau vì lợi ích vật chất thực sự là tiếng chuông cảnh báo về đạo đức, về văn hóa ứng xử trong gia đình. Chuyện xảy ra giữa lúc “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được triển khai thí điểm ở một số địa phương, trong đó Hà Nội có hai nơi được chọn là xã Phú Cường (huyện Ba Vì) và phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), gợi nhiều suy nghĩ về vai trò, vị trí của văn hóa ứng xử gia đình trong giai đoạn hiện nay.
Đầu tiên, cần khẳng định văn hóa gia đình là yếu tố mang tính trụ cột của văn hóa và con người Việt Nam, nơi nuôi dưỡng những giá trị, chuẩn mực văn hóa, đạo đức, ứng xử được hình thành từ xa xưa, góp phần tạo nên những lớp người có ích cho xã hội, tạo nền tảng cho văn hóa Việt Nam phát triển bền vững. Ngày nay, nhịp sống gấp gáp đã tác động không có lợi cho sự phát triển văn hóa gia đình nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng. Sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình đang dần lỏng lẻo.
Cha mẹ giao phó con cho nhà trường để mưu sinh, bữa ăn bán trú thay thế cho mâm cơm trưa, bữa tối không phải khi nào cũng có đủ thành viên trong gia đình. Không còn nhiều thời gian cho những lời thủ thỉ của cha mẹ dành cho con - về cách ứng xử với mình, với người; về tình thương yêu và sự quan tâm, trách nhiệm động viên, chia sẻ với người thân lúc khó khăn, hoạn nạn; về đạo đức, tác phong, lễ nghi, phong tục... Những chiếc smartphone không chỉ lấy đi thời gian giao tiếp giữa các thành viên gia đình mà còn gieo lối sống ích kỷ, làm phai nhạt bổn phận và trách nhiệm nêu gương ứng xử của người lớn trước trẻ em ở nhiều gia đình... Thiếu kỹ năng ứng xử mang tính nền tảng được dạy dỗ từ nhỏ, đó là một phần nguyên nhân khiến lớp trẻ dễ bị tổn thương khi ra đời.
Những gì đang diễn ra cho thấy rõ hơn về tầm quan trọng của văn hóa gia đình nói chung, đồng thời cũng là lời giải đáp cho câu hỏi vì sao, liên tiếp trong hai năm gần đây, chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam luôn được xác định là “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương”, vì sao ngành Văn hóa cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm đến việc phát động thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử gia đình” dù một số nội dung liên quan đã được thể hiện trong tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa và trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa nói chung.
Cho đến lúc này, khi việc triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử gia đình” đã là hiện thực, điều quan trọng nhất là làm sao để hoạt động này thu được hiệu quả thực chất. Vấn đề không đơn giản, bởi mục tiêu cốt lõi trong tiến trình triển khai thực hiện là làm thay đổi nhận thức về văn hóa ứng xử gia đình, theo hướng tích cực, từ đó dẫn đến thay đổi hành vi; tuyên truyền, vận động là chính chứ không thể chăm chăm “áp” luật, chế tài. Thói quen không dễ thay đổi nếu cách thức tuyên truyền không có sự sáng tạo, thiếu tính thiết thực và nhất là không chỉ ra được mối nguy hiểm ra sao nếu trong gia đình thiếu đi tình thương yêu, sự tôn trọng, quyền bình đẳng và ý thức sẻ chia - 4 tiêu chí chung về ứng xử trong mỗi gia đình.
Yêu cầu đặt ra còn là kết nối các hoạt động, mô hình liên quan với trọng tâm tác động là các tổ dân phố, khu dân cư với đặc điểm cụ thể thay vì áp dụng chung một mô hình cho tất cả. Thành phố quan tâm; quận, huyện, thị xã phát động nhưng nếu xã, phường, thị trấn và từng khu dân cư không coi đó là việc cần giám sát và đề ra giải pháp sát tình hình thực tế thì không thể mong kết quả tích cực được. Như với công tác xây dựng Gia đình văn hóa vậy, từng có thời gian thể hiện “bệnh” thành tích, “bệnh” hình thức nên kết quả bình xét không mang tính thực chất, không có tác dụng thúc đẩy các gia đình phấn đấu theo tiêu chí đã đề ra.
Bởi vậy, với việc thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình”, phần việc quan trọng nhất nằm ở khâu tuyên truyền. Là tuyên truyền thường xuyên, “mưa dầm thấm lâu” nhằm thay đổi nhận thức của cả cán bộ văn hóa, chính quyền cơ sở và người dân chứ không thể mang tính kỳ cuộc, chỉ sôi nổi hưởng ứng lúc phát động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.