Tiếng đàn trong, vang, khả năng biểu hiện phong phú, khi thì sôi nổi ròn rã, lúc lại nỉ non sâu lắng... Đàn Nguyệt có mặt cả trong những nhạc lễ trang nghiêm, cuộc hát văn lôi cuốn, lễ tang bùi ngùi xúc động cũng như nhạc thính phòng thanh nhã với những hình thức diễn tấu khác nhau: đệm hát, hòa tấu và độc tấu.
Đàn Nguyệt xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam từ thế kỷ XI, là nhạc cụ họ dây chi gẩy của người Việt, đàn còn có các tên gọi: đàn Kìm, Vọng Nguyệt cầm hoặc Quân Tử cầm. Theo sách Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, đàn Nguyệt là thứ hồ cầm cổ có tên là Nguyễn cầm, do ông Nguyễn Hàm (người Trung Quốc) chế ra vào đời Tấn. Nguyễn cầm thùng tròn như đàn Nguyệt Việt Nam, nhưng có bốn dây như đàn Tì bà. Sách Cầm học tầm nguyên của Hoàng Yến cho biết, cây đàn Nguyệt do một tri huyện phong lưu đã từng đỗ Phó bảng thời Minh Mệnh làm ra. Sở dĩ nó có tên là đàn Nguyệt, vì phần cộng hưởng âm của nó được ví tròn như trăng rằm. Với cây đàn Nguyệt thân tròn như trăng rằm, tượng trưng cho mười hai tháng; bốn dây tượng trưng cho bốn mùa; tám phím tượng trưng cho tám tiết. Bốn sợi dây có tên riêng là Đại, Trung, Hòa, Tiểu. Dây Đại tết bằng 12 sợi tơ nõn se, tượng trưng cho thập nhị chi. Dây Trung tết bằng 10 sợi tơ nõn se, tượng trưng cho thập can. Dây Hòa tết bằng 9 sợi tơ nõn se, tượng trưng cho cửu trùng. Dây Tiểu tết bằng 8 sợi tơ nõn se tượng trưng cho bát quái. Như vậy, cây đàn Nguyệt có đủ cả ý nghĩa Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) hòa hợp. Về sau, do cách chơi đàn được cải tiến, người ta đã bỏ đi hai dây Tiểu và Trung, chỉ giữ lại hai dây Đại và Hòa. Rồi do không hiểu hết ý nghĩa của việc làm này, trong dân gian thường gọi là hai dây Đại và Tiểu (tức dây to và dây nhỏ), người Huế phát âm là Đài và Tiếu nên ngày nay người ta quen gọi là dây Đài và Tiếu.
Xa xưa, đàn Nguyệt cầm thường được biểu diễn ở cung đình. Các bậc hiền nhân quân tử rất coi trọng nghệ thuật đàn hát, thường đốt trầm hương và gảy đàn trong các dịp khánh tiết, tao ngộ... Trong bài Long thành cầm giả ca của cụ Nguyễn Du cũng có nói tới một người chơi đàn Nguyệt rất giỏi là cô Cầm, nổi tiếng về khúc Cung Phụng. Khi xưa cụ Nguyễn Du đã cảm xúc khi nghe tiếng đàn Nguyệt cầm của người đẹp Long Thành:
Long Thành giai nhân
Tính thị bất kỳ danh
Độc thiện Nguyễn cầm
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh
Và đến Truyện Kiều, Nguyễn Du đã “đặt” trong tay nhân vật Thúy Kiều cây đàn Nguyễn cầm:
Hiện sau treo sẵn cầm trăng
Vội vàng, Sanh đã tay nâng ngang mày
Đàn Nguyệt Việt Nam khác đàn Nguyệt của Trung Quốc ở chỗ, đàn có dọc đàn dài hơn và hàng phím cao. Đàn Nguyệt có 8 phím, sau này gắn thêm 2 phím là 10 phím theo hệ thống âm nhạc ngũ cung. Mặt đàn hình tròn đường kính khoảng 30 cm bằng gỗ nhẹ, xốp để mộc. Trên mặt đàn có gắn một bộ phận để mắc dây, gọi là Thú. Thành đàn mỏng làm bằng gỗ cứng cao khoảng 6 cm, đáy bịt gỗ, không có lỗ thoát âm. Cần đàn dài khoảng 100 cm có gắn 10 phím (7 phím ở cần đàn, 3 phím ở mặt đàn). Các phím đàn gắn trên những khoảng cách không đều nhau. ở đầu trên của cần đàn có 4 trục gỗ, trong đó có 2 trục dùng để mắc dây, còn 2 trục dùng để trang trí cho cân đối, đẹp mắt. Dây đàn có hai dây bằng tơ se, một to, một nhỏ, nay thay bằng ni lông. Hai dây đàn được lên theo tương quan quãng 5 đúng: Fa- Đô1, Sol-Rê1 hoặc quãng 4 đúng và các phím đàn đặt theo điệu thức 5 âm. Ví dụ: trên dây Đô là: Đô, Rê, Fa, Sol, La, Đô, Rê, Fa, Sol, La; dây Sol là: Sol, La, Đô, Rê, Mi, Sol, La, Đô, Rê, Mi.
Ngày trước, các nghệ nhân gảy đàn bằng móng tay dài của mình, ngày nay đàn được gảy bằng miếng nhựa với những ngón gảy, hất, phi và đặc biệt là ngón vê... kể cả những âm ngắn tạo không khí ấm áp, tươi sáng, rộn ràng sôi nổi. Nhạc công ngồi chơi đàn, tay phải gẩy đàn, tay trái bấm phím, luyến láy, nhấn rung. Nhờ có cần tương đối dài và những phím cao, nhạc công chơi đàn có thể tạo được những âm luyến, nhấn nhá uyển chuyển, mềm mại. Màu âm đàn Nguyệt tươi sáng, rộn ràng rất thuận lợi để diễn tả tình cảm sâu lắng. Đàn Nguyệt có tầm âm rộng hơn hai quãng 8 từ: Đô1 đến Rê3, nếu dùng ngón nhấn sẽ có thêm hai âm nữa. Tầm âm có thể chia ra 3 khoảng âm với đặc điểm: khoảng âm dưới, tiếng đàn ấm áp, mềm mại, biểu hiện tình cảm trầm lặng, sâu sắc; khoảng giữa là khoảng âm tốt nhất, tiếng đàn thánh thót, vang đều, diễn tả tình cảm vui tươi, linh hoạt; khoảng âm cao, tiếng đàn trong sáng nhưng ít vang. Đàn Nguyệt có tám thế bấm, mỗi nốt có thể bấm bằng một ngón. Tuy nhiên, do khoảng cách giữa mỗi phím đàn hơi rộng ở đầu đàn nên có thể sử dụng cả hai ngón bấm trên một phím khi thể hiện các kỹ thuật nhấn, nhấn luyến. Khi bấm đàn, ta bấm đầu ngón tay và luôn thẳng góc với dây đàn.
Với nhiều ngón kỹ thuật độc đáo, đàn Nguyệt có nhiều khả năng độc tấu, hòa tấu... thường được sử dụng đệm cho ca hát và trong các dàn nhạc sân khấu truyền thống. Đàn Nguyệt rất phổ biến từ Bắc đến Nam, dễ dàng sử dụng và hợp với tiếng nói của dân tộc. ở miền Bắc, đàn Nguyệt được sử dụng trong hát Chèo, hát Chầu Văn; ở miền Trung, đàn gắn bó với ca Huế; và ở miền Nam, đàn thường gọi là đàn Kìm sử dụng trong các dàn nhạc Tài tử và Cải lương. Ngoài ra, đàn Nguyệt còn tham gia nhiều dàn nhạc dân tộc khác như: nhạc Bát âm, nhạc Lễ... và dàn nhạc sân khấu truyền thống. Khi đệm cho hát Chầu Văn chỉ cần một cây đàn Nguyệt cùng với hai nhạc khí gõ...
Cho tới nay, đàn Nguyệt vẫn giữ một vị trí quan trọng trong sinh hoạt âm nhạc của người Việt. Đàn Nguyệt đã được các nhạc sỹ sáng tác thêm nhiều tác phẩm để độc tấu như: Quê ta, Chung một niềm tin của Xuân Khải, Tình mẹ của Trần Luận, Tình quân dân của Xuân Ba... Anh Trần Minh Quân mặc dù bị khiếm thị nhưng đã gắn bó cuộc đời mình với cây đàn Nguyệt từ khi vào trường Nguyễn Đình Chiểu. Cây đàn đã chắp cánh cho anh đạt nhiều ước vọng cuộc sống. Học xong lớp 9, anh thi đỗ hệ trung cấp 4 năm khoa âm nhạc truyền thống Nhạc viện Hà Nội. Năm 2001, anh tiếp tục thi đỗ hệ đại học khoa Âm nhạc truyền thống. Với cây đàn Nguyệt, Trần Minh Quân đã đi khắp châu Âu, châu á và hơn 200 trường học ở Việt Nam để giới thiệu biểu diễn đàn Nguyệt. Số tiền thu được Quân dành giúp các em nhỏ tàn tật, khiếm thị chưa có khả năng lao động.
Có thể nói, đàn Nguyệt là một nhạc cụ dân tộc độc đáo trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình bác học cổ truyền của người Việt. Đàn là thú chơi tao nhã của người xưa. Âm thanh của đàn Nguyệt ấm áp, tươi sáng, rộn ràng... ngân vang trong những khúc tình ca đằm thắm.
Minh Anh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.