Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiệt hại của người dân cần được đền bù thỏa đáng

Thiện Mỹ| 16/07/2010 08:51

(HNM) - Hạng mục cầu vượt sông Nhuệ, thuộc dự án quốc gia đường cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ, nối Hà Nội và tỉnh Hà Nam hiện đang gặp khó khăn trong thi công vì bị một số hộ dân ở hai thôn Thái Lai và Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên cản trở do nghi ngờ Ban điều hành dự án không trả tiền đền bù thiệt hại…

Đóng cọc cát tại công trình cầu vượt sông Nhuệ.


Để thực hiện hạng mục trong dự án, cuối năm 2009, đơn vị thi công là Công ty Hòa Thuận Phát đã tiến hành ép cọc cát. Do việc ép cọc gây ảnh hưởng trong bán kính 75m nên các công trình nằm trong vùng bán kính này đều được đền bù khi có thiệt hại xảy ra. Để làm cơ sở cho việc tính toán thiệt hại, cuối năm 2009, Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam đã xác định hiện trạng các hộ gia đình nằm trong phạm vi nói trên và ngày 25-1-2010 đã lập xong báo cáo hiện trạng đối với 32 hộ. Tuy nhiên trong quá trình xác định, đơn vị kiểm định đã bỏ "quên" hộ gia đình anh Trần Văn Anh nên toàn bộ các công trình của hộ gia đình này không được đưa vào danh sách đền bù thiệt hại.

Khi đơn vị thi công tiến hành ép cọc, anh Anh thấy nhà bị rung, sợ nguy hiểm nên đã phải "sơ tán" vợ con, song quyền lợi của gia đình thì không được ai nhắc đến. Anh bức xúc cho biết: "Khi đơn vị thi công ép cọc, tôi đã mời cả ông trưởng thôn và đại diện của đơn vị thi công đến chứng kiến việc nhà tôi bị rung và chính họ cũng bảo tôi phải di chuyển chỗ ở để bảo đảm an toàn. Nhà tôi là nhà cấp 4, xây từ năm 1994 đến nay đã cũ, do bị ảnh hưởng, các vì kèo tre đã xệ về phía sau, hở hết cả mái nhà và mái bếp. Ông Lại Duy Triển, nguyên Trưởng thôn Đa Chất (hiện nay không ở địa phương) đã trực tiếp đưa cho tôi 600.000 đồng nói là tiền của đơn vị thi công hỗ trợ di chuyển; sau đó người của đơn vị thi công cũng hứa sẽ đền bù thiệt hại vì công trình nhà tôi nằm trong phạm vi 75m, nhưng chỉ nói miệng mà không có văn bản. Đến nay, không thấy ai đến đo, vẽ, chụp hiện trạng nhà tôi, trong khi đó các nhà xung quanh đã nhận một phần tiền đền bù hỗ trợ "?

Có mặt tại nhà anh Trần Văn Anh, chúng tôi nhận thấy trên bức tường bao quanh ngôi nhà và vườn có một số vết nứt; một phần nền nhà bị lún, giữa nền nhà và tường cũng có vết nứt chạy dọc theo nền nhà; phần mái nhà và bếp bị xô lệch về phía sau. Thừa nhận điều này, ông Trần Văn Mộc, cán bộ kỹ thuật của Công ty Hòa Thuận Phát cho biết: "Do ngày khảo sát, gia đình anh Trần Văn Anh không có nhà nên trong danh sách thẩm định hiện trạng chưa có công trình của gia đình anh. Sau khi thấy việc ép cọc có thể gây nguy hiểm, đơn vị thi công đã nhờ ông Triển chuyển cho gia đình anh Anh 1,2 triệu đồng chi phí di chuyển. Việc anh Trần Văn Anh mới nhận được 1/2 số tiền cần phải kiểm tra lại để làm rõ". Ông Nguyễn Văn Phường, Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên thì khẳng định: Trường hợp gia đình anh Anh thuộc diện phải được đền bù thiệt hại và UBND xã đề nghị đơn vị thi công phải có trách nhiệm với trường hợp này.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây không phải là vướng mắc duy nhất, vấn đề lúc này là nhiều người dân sợ không được đền bù, sợ đơn vị thi công sẽ thu máy móc "chạy làng" để trốn trách nhiệm nên đã ngăn cản, không cho đơn vị thi công triển khai công việc. Trước tình hình trên, tháng 5-2010, UBND huyện Phú Xuyên đã thành lập tổ công tác và cùng UBND xã nhiều lần gặp gỡ, động viên các hộ dân tin tưởng, tạo điều kiện cho đơn vị thi công tiếp tục công việc. Theo báo cáo của Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam, hiện đơn vị đã hoàn thành việc giám định hiện trường và đang tính toán tổn thất; đến hết ngày 20-7 sẽ có kết quả cuối cùng về mức độ thiệt hại, sau đó sẽ chi trả tiền cho các hộ dân. Riêng 6 gia đình ở gần nơi ép cọc chưa tính toán được mức độ thiệt hại vì các hộ dân yêu cầu sau khi ép xong cọc mới tiến hành thẩm định. Ngày 8-7, đại diện tổ công tác của UBND huyện Phú Xuyên, UBND xã Đại Xuyên, trưởng các thôn Đa Chất, Thái Lai và đơn vị thi công đã cùng ký biên bản, cam kết "có trách nhiệm với nhân dân 2 thôn, khi có tiền về sẽ giám sát Ban quản lý dự án chi trả đầy đủ đến các hộ dân. Nếu khi kết thúc công việc, đơn vị thi công không thanh toán tiền cho dân thì UBND xã, tổ công tác của huyện sẽ chịu trách nhiệm".

Như thế, về cơ bản, những khó khăn ở đây đã được các cơ quan chức năng của huyện Phú Xuyên và xã Đại Xuyên xem xét, giải quyết. Mặc dù vậy, người dân vẫn mong chờ cơ quan chức năng thẩm định đúng các thiệt hại do việc thi công công trình gây ra. Đối với các hộ dân phát sinh sau thời điểm lập báo cáo hiện trạng cũng cần phải được Ban quản lý dự án xem xét, giải quyết thỏa đáng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiệt hại của người dân cần được đền bù thỏa đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.