Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiệt bởi “lệ”

Hà Thành| 20/02/2011 08:17

(HNM) - Nước chủ nhà SEA Games 26 Indonesia đã ra thông báo sơ bộ về các môn thi đấu ở SEA Games 26, trong đó không có bóng đá nữ. Lý do được đưa ra là bóng đá nữ Indonesia chưa phát triển, không có khả năng giành huy chương.


Tất nhiên là còn phải chờ kết luận của cuộc họp Hội đồng thể thao các nước khu vực ngày 25-2, nhưng hành động của nước chủ nhà cho thấy, cách điều hành chương trình thi đấu của BTC SEA Games là bất cập.

Dồn gánh nặng cho bóng đá nam


Bóng đá nữ Đông Nam Á luôn là sự cạnh tranh khốc liệt của "tam cường" Thái Lan, Việt Nam, Myanmar. ĐT nữ Indonesia thường xuyên "chầu rìa" ở các kỳ SEA Games nên việc gạt bóng đá nữ ra khỏi chương trình thi đấu (điều lệ tổ chức SEA Games cho phép) là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng, với "tam cường" thì đó là chuyện động trời và không thể chấp nhận. Mục tiêu và chiến lược của ba nước này không chỉ là giành HCV SEA Games mà còn hướng ra châu lục, vì thế, việc cả ba không đồng tình với ý định của nước chủ nhà cũng là dễ hiểu.

Với ĐTBĐ nữ Việt Nam, đây là dịp bảo vệ vị trí dẫn đầu khu vực sau khi giành HCV ở SEA Games 25 tại Lào năm 2009. Để làm được việc đó, VFF đã ký lại hợp đồng với HLV người Trung Quốc Trần Vân Phát, cùng HLV này soạn thảo một kế hoạch chi tiết để lấy "vàng" ở SEA Games 26. Hai bên đã nhất trí ở 2 điểm lớn: một là phải trẻ hóa cấp tốc đội tuyển khi nhiều cựu binh thuộc "thế hệ vàng" như Nguyễn Thị Miện, Văn Thị Thanh, Kim Chi, Mai Lan… vừa chia tay sân cỏ; hai là dùng vòng loại Olimpic London làm nơi thử thách, rèn luyện các niềm hy vọng mới.

Nước chủ nhà SEA Games 26 Indonesia có đổi ý hay không thì còn phải chờ. SEA Games 26 mà không có bóng đá nữ thì rất buồn với các cổ động viên Việt Nam bởi khi đội tuyển bóng đá nam luôn… "tịt" ở trận chung kết thì đội tuyển nữ luôn có "vàng". Nó sẽ là niềm an ủi cho người hâm mộ. Không có BĐ nữ, gánh nặng HCV của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 26 sẽ đè nặng lên vai đội tuyển U23 Việt Nam. Sức ép đó làm VFF, HLV Calisto và các học trò thêm nhiều áp lực hơn những kỳ SEA Games trước đây.

"Lệ" chủ nhà

Thực ra thì việc môn này hay môn kia bị nước chủ nhà gạt ra khỏi chương trình thi đấu của SEA Games không có gì mới. Lệ của SEA Games là nước chủ nhà có quyền đưa vào chương trình thi đấu một số môn có khả năng giành HCV và bớt đi những môn là sở đoản đối với thể thao quốc gia đó. Do vậy, nội dung thi đấu được thả nổi nhằm khuyến khích các nước đăng cai đại hội thể thao này.

Đó là lý do khiến nước đăng cai thường nhảy vọt trên bảng xếp hạng và sang SEA Games sau, tổ chức ở nước khác, nước vừa là chủ nhà lập tức tụt bậc vì phải thi đấu nhiều môn không phải sở trường. Cũng không thể trách BTC nước chủ nhà SEA Games 26 bởi trước đó, rất nhiều nước chủ nhà SEA Games đã được hưởng lợi nhờ sự "chủ động" trong chương trình thi đấu của mình.

Việc đưa môn này, bớt môn kia luôn làm cho không khí hội nghị cuối cùng để "chốt" nội dung các môn thi đấu tại SEA Games nóng bỏng. Ai cũng muốn phần lợi về mình nhưng cuối cùng tiếng nói của nước chủ nhà vẫn có trọng lượng hơn cả.

Trước khi lên đường sang Indonesia dự cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á về chương trình thi đấu SEA Games 26, Tổng cục phó Tổng cục TDTT Lê Quý Phượng cho rằng: "Khả năng đưa những môn, nội dung thế mạnh của thể thao Việt Nam như bóng đá nữ, 2 hạng nhẹ của vật nữ, nội dung băng đồng xe đạp, một số nội dung của bắn súng… vẫn bỏ ngỏ. Vấn đề này phụ thuộc vào thái độ của nước chủ nhà và nếu những môn, nội dung trên không được BTC nước chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 26 thì cũng phải chấp nhận. Khi đó, phải có giải pháp quyết liệt về chuyên môn nhằm hoàn thành mục tiêu vào nhóm 3 nước dẫn đầu bảng xếp hạng SEA Games 26".

Minh An
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệt bởi “lệ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.