Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiêng liêng hồn nước

Hà Anh| 02/09/2014 07:33

(HNM) - Những ngày thu Tháng Tám, phố phường Thủ đô và khắp các nẻo đường đất nước rợp bóng cờ đỏ sao vàng kỷ niệm 69 năm cuộc cách mạng long trời lở đất thành công, đem lại nền độc lập tự do cho dân tộc.


Nhìn những lá Quốc kỳ đỏ thắm với năm cánh sao màu vàng nổi bật trên nền trời xanh thẳm, lòng chúng ta trào dâng cảm xúc, tự hào. Đó là niềm xúc động của một người Việt Nam, niềm tự hào là người Việt Nam trước biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc mình. Và không ít người lại nhớ tới phóng sự truyền hình cách đây chưa lâu về các chiến sĩ Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc tại vùng biển Hoàng Sa thực hiện lễ chào cờ, hát Quốc ca. Trong bối cảnh hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với căng thẳng, hiểm nguy, hình ảnh các chiến sĩ cất cao tiếng hát Quốc ca, cùng lá Quốc kỳ tung bay trên sóng gió Biển Đông đã làm xúc động hàng triệu trái tim người Việt.

Một buổi lễ chào cờ tại đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Anh Tuấn



Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lá cờ đỏ sao vàng do lãnh tụ Hồ Chí Minh mang về từ nước ngoài, "vào ngày 19-5-1941, lá cờ được treo giữa hang Pắc Bó khai mạc Hội nghị thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội". Cách mạng Tháng Tám thành công, cờ đỏ sao vàng chính thức trở thành biểu tượng của nước Việt Nam mới. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, Quốc hội khóa VI đã lấy Quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ cộng hòa làm Quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, cờ đỏ sao vàng đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chiến thắng mọi sức mạnh bạo tàn để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Song, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940…". Trong bài hát "Tiến quân ca" sáng tác năm 1944, cố nhạc sĩ Văn Cao viết: "Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước", dù thời điểm ấy ông chưa hề nhìn thấy lá cờ mà chỉ tưởng tượng ra (Hiến pháp năm 1946 cũng đã chọn "Tiến quân ca" là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, và năm 1976 Quốc hội đã họp, thống nhất "Tiến quân ca" là Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho máu xương của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, đã ngã xuống để Tổ quốc được hòa bình, thống nhất, phát triển phồn vinh. Đó là lý do để mỗi người Việt Nam hôm nay và toàn thể dân tộc Việt Nam mãi mãi khắc ghi chân lý này.

Chuyện chào cờ (Quốc kỳ) không mới mà từ lâu đã là một hoạt động bình thường trong đời sống xã hội
ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Malaysia, từ thời Thủ tướng Mahathir Mohamad đã có quy định các cơ quan nhà nước phải chào cờ, hát Quốc ca, học tập về lòng yêu nước… Ở Thái Lan, vào sáng thứ hai đầu tuần, cứ đúng giờ chào cờ trên hệ thống phát thanh công cộng lại phát bài Quốc ca và tất cả mọi người đang đi bộ đều dừng lại để chào cờ, hát Quốc ca… Ở nước ta, trong nhiều thập niên của thế kỷ trước việc chào cờ, hát Quốc ca được thực hiện thường xuyên tại các ngày kỷ niệm, ngày lễ, hội nghị…, đối với lực lượng vũ trang và học sinh phổ thông còn là một nghi thức bắt buộc vào sáng thứ hai đầu tuần. Tuy nhiên, những năm gần đây việc hát Quốc ca đã "cải tiến", cùng với đó là nghi thức chào cờ cũng chỉ duy trì thường xuyên ở các cấp học phổ thông và đơn vị quân đội.

Năm 2005, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đồng Nai đã biến nỗi trăn trở "Tại sao chúng ta chỉ bắt trẻ con phải chào cờ trong trường học, còn chúng ta, những người lớn, lại không dành cho mình thời gian để nhắc nhở chính mình một ý thức quốc gia?" thành hiện thực. Và Đồng Nai trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện quy định chào cờ và hát Quốc ca đầu tuần tới tất cả các đơn vị trên địa bàn. Cũng từ năm 2005, chào cờ đầu tuần đã trở thành nét đẹp văn hóa ở các buôn làng Bana, Jrai ở thị xã Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Tỉnh Bến Tre yêu cầu các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến phường, xã tổ chức chào cờ đầu tuần từ tháng 9-2007... Từ một vài địa phương, phong trào chào cờ và hát Quốc ca đầu tuần đã lan tỏa sâu rộng tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Chào cờ đầu tuần trở thành một hoạt động thường xuyên, gắn với việc đánh giá, xếp loại thi đua ở các cơ quan, đơn vị. Đáng nói là trong lịch công tác tuần của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố cũng dành 10 phút để chào cờ đầu tuần, thể hiện rõ sự nghiêm túc trong việc thực hiện chủ trương này.

Không ít lần đến các công sở hoặc doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai..., người viết bài đã chứng kiến lễ chào cờ và hát Quốc ca được tổ chức trang nghiêm, xúc động. Từ lãnh đạo cơ quan đến nhân viên bảo vệ đều trang phục chỉnh tề, tập trung đúng giờ và lễ chào cờ thường gắn với hoạt động nói chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hoặc gương điển hình tiên tiến. Đáng nói là việc tổ chức lễ chào cờ được toàn thể cán bộ, nhân viên các đơn vị hưởng ứng với sự nhiệt tình, nghiêm túc. Một đồng nghiệp trẻ ở TP Hồ Chí Minh nói: "Chào cờ và hát Quốc ca đầu tuần không chỉ tiếp sức cho một tuần làm việc mới, mà còn nhắc nhở chúng tôi tinh thần phụng sự Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc". Còn một lãnh đạo doanh nghiệp thì cho rằng: "Mỗi con người, ngoài công việc, ngoài kinh doanh... thì chúng ta còn có một Tổ quốc. Tổ quốc ấy phải luôn luôn được nhắc nhớ và trân trọng!"...

Tại một hội nghị do Ủy ban TƯ MTTQ tổ chức tháng 3-2010, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đề nghị MTTQ các cấp phát động phong trào chào cờ và hát Quốc ca trong cả nước, xem đây là nghĩa vụ của mỗi người dân, đồng thời cho rằng "nếu chúng ta không thực hiện nghi lễ này một cách trang trọng, gương mẫu thì làm sao giáo dục thế hệ trẻ được!". Chính vì vậy việc sớm triển khai lễ chào cờ, hát Quốc ca đầu tuần trong đội ngũ cán bộ, công chức, thông qua đó tạo thành phong trào trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô là một yêu cầu cần được đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội. Rõ ràng phải tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, để khi đứng trước lá Quốc kỳ, mỗi người Hà Nội đều cảm thấy thêm yêu đất nước, yêu Thủ đô và mong muốn cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô cũng như đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiêng liêng hồn nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.