Trong tiến trình lịch sử của mỗi dân tộc, những vùng đất được lựa chọn làm kinh đô luôn ẩn chứa biết bao huyền tích, hứng chịu vô vàn thử thách sóng gió thời đại, để hun đúc nên biểu tượng bất tử cho tinh thần, trí tuệ, khát vọng vươn cao, bay xa trên bầu trời tự do, tự chủ, hòa bình, cường thịnh.
Hà Nội là vùng đất như vậy và còn hơn thế nữa, Hà Nội luôn là biểu tượng cho những khúc bi hùng lịch sử dân tộc Việt Nam - một dân tộc “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”; ngày nay đang là minh chứng cho sự hiển linh những giá trị nhân lõi của một nền văn hiến lâu bền.
Từ đất Phong Châu, 18 đời Vua Hùng lập kinh đô dựng nước trên miền trung du, bao quát đất trời, hội tụ. Tổ tiên ta dựa vào núi, vào sông, dựa vào lòng người đoàn kết, tương thân, tương ái, cần cù sáng tạo lao động, anh dũng đánh giặc giữ làng, giữ nước; để rồi con cháu các Vua Hùng tiếp tục rời miền trung du tiến xuống chinh phục dòng sông lớn nhất (sông Cái, sau này gọi là sông Hồng). Đấy là sự thể hiện tầm cao mới của bản lĩnh dân tộc, tầm cao của trí tuệ, dám bước ra miền sông nước, tiến dần về biển cả.
Cổ Loa được An Dương Vương chọn làm nơi linh thiêng để xây thành, đắp lũy, tính kế giữ nước và dựng nước. Truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa (gồm 9 vòng thành bằng đất) ở phía ngoài sông Hồng là sự phản ánh một thiên niên kỷ mới trong tiến trình mở nước từ rừng núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Bắc Bộ phì nhiêu, mênh mang sông nước của người Việt cổ...
Rồi quá trình thoát khỏi ách đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc, các thế hệ người Việt không bao giờ nguội tắt ngọn lửa yêu nước, từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, nước Việt giành lại được quyền tự chủ. Ngô Vương lại dựng kinh đô trên nền thành ốc của An Dương Vương, mở ra buổi đầu khôi phục nền tự chủ lâu dài cho dân tộc.
Tuy nhiên, triều Ngô chỉ tồn tại yên bình rất ngắn trên vũ đài lịch sử (từ năm 938 đến năm 944); sau khi Ngô Vương mất, do muốn đoạt ngôi vương từ tay cháu nên Dương Tam Kha (em vợ của Ngô Vương) đã đẩy đất nước vào nạn cát cứ kéo dài hơn 20 năm.
Với tài chinh phục, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn “12 sứ quân”, lập ra Triều Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô mới. Hoa Lư có tuổi thọ 41 năm (tính từ năm 968 tới năm 1009), với sự tiếp nối của 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - khởi đầu Triều Lý.
Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra định đô ở phía trong sông Hồng, lấy tên kinh đô mới là Thăng Long, gửi gắm trong đó ước vọng muôn đời dựng xây và bảo vệ vững chắc nước Đại Việt cường thịnh. Thăng Long thực sự khai mở hai nền văn minh rực rỡ của nước Đại Việt bởi Triều Lý và Triều Trần.
Thế kỷ XVI, nhà Mạc tiếm quyền nhà Lê, cuộc nội chiến này kéo dài nửa thế kỷ, nhà Lê về xứ Thanh giữ thế, nhà Mạc lên Cao Bằng dựng nghiệp, Thăng Long thành chiến trường trong cảnh điêu tàn. Nhờ có nhà Nguyễn và nhà Trịnh trợ giúp nên nhà Lê lấy lại được ngôi báu, trở lại Thăng Long, nhưng cung điện của Vua Lê chỉ còn là cái bóng, thực quyền nằm trong phủ Chúa Trịnh.
Tham vọng quyền bính của Trịnh Kiểm đã buộc em vợ của ông ta là Nguyễn Hoàng phải lặn lội trốn vào phía nam đèo Ngang. Từ đấy, trải qua 9 đời Chúa Nguyễn và hơn 200 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến phân chia lãnh thổ, quyền lực, Thăng Long là kinh đô của nhà Trịnh, còn Phú Xuân - Huế là kinh thành của các chúa Nguyễn, Tây Sơn.
Sau khi Nguyễn Ánh báo oán triều Tây Sơn, lập ra triều đại mới lấy niên hiệu Gia Long (năm 1802), kinh thành Huế được xây dựng với một kiến trúc uy nghi bậc nhất ở Đông Nam Á. Song đáng tiếc, đó lại là kinh đô bị bao phủ nỗi u sầu của một vong quốc nô, chính quyền phong kiến trở thành chính quyền tay sai, nhân dân trở thành nô lệ bị thực dân Pháp cai trị.
Đến tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, toàn dân vùng lên tổng khởi nghĩa. Ngày 19-8-1945 tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, cổ vũ các địa phương giành lại chính quyền. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra chính thể mới, Việt Nam - Dân chủ - Cộng hòa. Từ đó Hà Nội mang trên mình sứ mệnh mới, là biểu tượng cho một dân tộc Việt Nam hồi sinh bất diệt dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hơn 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vào cuối năm 1946, thực sự là khúc dạo đầu của bản anh hùng ca kháng chiến thần thánh, để 9 năm sau đó trên đường trở về giải phóng Thủ đô, Bác Hồ đã căn dặn các chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong, cũng là lời dạy cho muôn đời sau: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội rợp cờ hoa vẫy chào đoàn quân đại thắng trở về. Kể từ ngày ấy, Hà Nội bước lên đài cao mới với sứ mệnh lao động dựng xây và chiến đấu bảo vệ những giá trị thiêng liêng của lương tri và phẩm giá con người. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972 là một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh. Hà Nội như một chiến binh vì hòa bình.
Ngày 2-9-2019, đúng nửa thế kỷ sau ngày Bác Hồ ra đi vào cõi vĩnh hằng, từ Thủ đô Hà Nội, uy nghiêm tráng lệ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tự hào báo công với Bác Hồ kính yêu về những điều mà nửa thế kỷ qua đã và đang thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người: Chúng ta đã đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc, kiên định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, để Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển, với một tầm vóc mới, vị thế mới ở mốc lịch sử 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm lập nước (năm 2045).
***
Sau gần 1010 năm được Lý Thái Tổ đặt tên là Thăng Long, sau 65 năm giải phóng, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 30 năm tiên phong đổi mới, 20 năm được thế giới vinh danh là Thành phố Vì hòa bình, hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giờ đây Hà Nội đang là thiên sứ của hòa bình, phát triển.
Hà Nội về đích sớm trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, là đầu tàu kinh tế của đất nước trong thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội theo ánh sáng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Là nơi tiên phong và có nhiều mô hình tốt, cách làm hay, minh chứng cho việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời cũng cung cấp nhiều cơ sở lý luận và thực tiễn để Trung ương hoạch định nhiều chủ trương, chính sách mới đáp ứng yêu cầu mới của đất nước. Là chỗ dựa vững chắc về an ninh, quốc phòng, lòng dân cho Đảng, Nhà nước.
Là điểm đến lý thú của hàng triệu lượt du khách bốn phương; được nhiều nhà đầu tư lựa chọn cho những lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ mũi nhọn; được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là thành phố đổi mới, năng động, sáng tạo; đón tiếp nhiều nguyên thủ các siêu cường và những sứ giả hòa bình; tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn có tính toàn cầu.
Quan tâm, chăm lo, sẻ chia với những số phận thiệt thòi, gia đình chính sách, đồng bào bị bão lũ, hạn hán; tích cực kết nối vùng và giao lưu học hỏi để mở rộng dư địa phát triển. Trong hiện đại hóa đô thị văn minh, vẫn không bỏ rơi những miền quê nghèo khó, quan tâm xây dựng nông thôn mới tươi đẹp; bảo tồn, phát huy, bồi đắp những giá trị văn hóa dân tộc và đón mời những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại.
Một Thủ đô Hà Nội như thế thật xứng danh với rất nhiều mỹ từ có tự bao đời nay. Chắc chắn đó sẽ là biểu tượng cho dân tộc Việt Nam đang hừng hực khí thế đổi mới, là nguồn lực nội sinh cho đất nước hiện thực hóa khát vọng bay lên tầm cao mới, với thế rồng bay giữa mây xanh thời đại. Thỏa ước vọng của đức Lý Thái Tổ, thỏa ước muốn tột đỉnh của Bác Hồ kính yêu.
Thủ đô Hà Nội, tháng 10 năm 2019
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.