(HNM) - Trong khi nhiều phụ nữ trên thế giới vẫn phải vật lộn với cuộc sống thì Na Uy lại trở thành thiên đường đối với các bà mẹ nhờ sự vượt trội về điều kiện sống.
Na Uy được bầu chọn là “thiên đường” lý tưởng nhất của các bà mẹ. |
Để quốc gia Bắc Âu có số dân chưa đầy 4,7 triệu người có được danh hiệu này là bởi đáp ứng được một loạt tiêu chí trong bảng xếp hạng các chỉ số của STC gồm các điều kiện về chăm sóc y tế, giáo dục, kinh tế mà các bà mẹ và trẻ em tại quốc gia này được thụ hưởng. Trong quá trình xếp hạng, STC đặc biệt chú ý đến tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng như tuổi thọ trung bình của các bà mẹ và thời gian họ được học tập, đào tạo nghề nghiệp; thời gian bà mẹ được nghỉ sau khi sinh con…
Sự ưu việt ở Na Uy sẽ rõ ràng hơn nếu chúng ta nhìn vào những chỉ số của phụ nữ Afghanistan - quốc gia đứng cuối trong bảng xếp hạng. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ quốc gia Nam Á là 45; tỷ lệ thai phụ tử vong là 1/11 và có tới 1/5 trẻ em chết trước 5 tuổi. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Na Uy lên tới 83 và tỷ lệ tử vong của thai phụ khi sinh con là 1/175. Không khó để lý giải cho sự chênh lệch lớn này khi các nước châu Âu luôn nằm trong nhóm 10 nước được đánh giá là nơi sống lý tưởng nhất đối với các bà mẹ, trong khi 10 nước châu Phi nằm cuối bảng xếp hạng vì có điều kiện sống tồi tệ nhất đối với phụ nữ.
Không chỉ đứng đầu bảng xếp hạng trên của STC, trong gần 10 năm trở lại đây Na Uy liên tục được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) bầu chọn là nơi đáng sống nhất thế giới. Dù không đứng đầu bất kỳ hạng mục nào trong các tiêu chí xếp hạng của UNDP nhưng Chỉ số phát triển con người (HDI) dựa trên tuổi thọ, tỉ lệ biết đọc biết viết, lượng học sinh đến trường, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người... của quốc gia Bắc Âu này lại luôn ở mức cao nhất thế giới.
Nằm trên bán đảo Scandinavia ở phía Tây bắc châu Âu, Na Uy có diện tích tự nhiên khá khiêm tốn, chỉ với 323.802km2 và bị chia cắt bởi nhiều vịnh hẹp và khoảng 50.000 hòn đảo. Không chỉ là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là năng lượng (dầu khí, thủy điện) Na Uy còn có chế độ chính trị xã hội ổn định, lực lượng lao động có trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề cao. Những lợi thế này đã góp phần không nhỏ đưa Na Uy trở thành một nước công nghiệp phát triển trong khu vực châu Âu. Hiện Na Uy là một trong những nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, khoảng 47.800 USD, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2%.
Các số liệu thống kê một lần nữa cho thấy khoảng cách giàu - nghèo giữa các quốc gia phát triển, đang phát triển và kém phát triển đang được nới rộng một cách đáng lo ngại. Cùng với những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, thiên tai do biến đổi khí hậu... nguy cơ những người nghèo không được thụ hưởng những quyền cơ bản ngày càng cao và trở thành vấn đề xã hội gây nhức nhối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.