(HNM) - Đã hơn một tuần kể từ khi xảy ra vụ việc cô gái trẻ quê ở Hậu Giang (Việt Nam) lấy chồng người Hàn Quốc ôm hai con nhảy lầu tự tử tại thành phố cảng Busan. Giờ này tro cốt của những người xấu số cũng đã được đưa về an táng tại quê nhà.
Không yên ắng như khi vụ việc mới xảy ra, những ngày qua nhiều thông tin quanh câu chuyện đau lòng này đã được một số tờ báo đăng tải, từ kết quả điều tra ban đầu của nhà chức trách địa phương, bức thư tuyệt mệnh mà người mẹ trẻ để lại… tới cuộc hôn nhân chóng vánh diễn ra 8 năm về trước. Điều này giúp cho vụ việc dần trở nên sáng tỏ, song quan trọng hơn là bi kịch đau lòng đã đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm, day dứt...
Những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam đã được hình thành và hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh để chúng ta chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Trong tiến trình của lịch sử, với thiên chức làm mẹ, vai trò làm "nội tướng" trong gia đình và công dân của xã hội, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp to lớn vào việc bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ở bất cứ thời kỳ nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, những phẩm chất tốt đẹp vốn là truyền thống của người phụ nữ Việt Nam như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, giàu đức hy sinh… đã luôn tỏa sáng, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời kỳ kháng chiến và "Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng" trong thời kỳ đổi mới do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng chính là sự ghi nhận và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực. Bước vào giai đoạn mới, trước yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước, các phẩm chất đạo đức truyền thống như Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang giúp phụ nữ Việt Nam nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực, vượt qua những thách thức khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Tuy nhiên, trước những thách thức của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, nhiều phẩm chất đạo đức vốn là truyền thống của phụ nữ Việt Nam cần được bổ sung những nội dung mới với những biểu hiện cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế.
Có thể thấy xu thế toàn cầu hóa và hội nhập đang làm cho nền văn hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ gần lại với nhau. Điều đó giúp cho người phụ nữ được tiếp cận, giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau, có thể tự tin, cởi mở, trau dồi các kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử… Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập còn tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, giúp phụ nữ vươn lên khẳng định mình, trở thành người chủ thực sự trong gia đình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với xã hội. Sự chia sẻ vai trò làm trụ cột trong gia đình cũng giúp cho người phụ nữ vượt qua tâm lý tự ti, mặc cảm, góp phần quan trọng thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới… Song, ở chiều ngược lại là nguy cơ "hòa tan". Sự giao thoa bên cạnh tác động tích cực của những nét văn hóa tiên tiến, đã xuất hiện không ít biểu hiện lệch lạc, văn hóa lai căng, suy đồi, ảnh hưởng trực tiếp tới đạo đức của con người, nhất là lớp trẻ. Vì thế, bản sắc văn hóa dân tộc, phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ… cũng chịu những tác động nhất định. Từ biểu hiện bên ngoài như trang phục, cách thức sinh hoạt… cho tới tư duy, lối sống… của phụ nữ hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, đã có nhiều thay đổi. Ở một chừng mực có thể thấy, nét đẹp, sự duyên dáng, dịu dàng, lòng nhân ái, bao dung, cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó, sẵn sàng chia sẻ… vốn là đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam đã có phần phai nhạt. Thay vào đó là lối sống thực dụng, ích kỷ, thậm chí xuất hiện cả sự tha hóa về đạo đức, nhân cách, cùng những quan niệm lệch lạc trong hôn nhân, tình yêu. Những biểu hiện tiêu cực đó đã gõ cửa tới từng gia đình, bất kể lúc nào cũng có thể xâm nhập vào từng con người nếu chúng ta không có sự "đề kháng" đúng mực và cần thiết.
Với bối cảnh như đã nêu, trong khoảng 10 năm trở lại đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã rầm rộ xuất hiện "phong trào" lấy chồng người nước ngoài. Một số xã của Hải Phòng có bình quân trên 500 trường hợp lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Ngay như tại Hậu Giang - quê hương của người phụ nữ xấu số nêu ở đầu bài viết này - đã có trên 10.000 cô gái lấy chồng nước ngoài, trong đó khoảng 6.000 người lấy chồng Hàn Quốc. Có miền quê, lãnh đạo địa phương đã phải nhận xét đầy cay đắng rằng: "Rể nước ngoài "hốt" gần hết gái làng rồi !"…
Liệu tất cả những điều đó có là bình thường?
Không! Hoàn toàn không! Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp (tính trong hai năm) thì 85% số vụ kết hôn lấy chồng nước ngoài đều có lý do vì lợi ích kinh tế. Có thể ở đâu đó sau lũy tre làng của những miền quê nghèo đã thấy thấp thoáng bóng nhà cao tầng; rồi bây giờ người thân, gia đình của những cô gái lấy chồng nước ngoài không còn cảnh cơ cực, chạy vạy lo cái ăn cái mặc hằng ngày... Nhưng liệu đó có phải là "nền móng kinh tế" bền vững được tạo ra từ bàn tay và khối óc của mỗi công dân vùng quê ấy?
Không! Hoàn toàn không, dù cho người ta có thể đưa ra nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan để bao biện cho sự "hy sinh" của mỗi cô gái trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tại một hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng khái quát việc phụ nữ nước ta lấy chồng nước ngoài được (tất nhiên trừ những trường hợp kết hôn vì tình yêu) nhận dạng theo "mô hình": Chấp nhận đánh đổi "4 không" (không tương đồng văn hóa, luật pháp, ngôn ngữ; không biết hoàn cảnh người chồng tương lai; không biết mặt chồng tương lai và không có tình yêu) lấy "1 vì"… đổi đời cho bản thân và giúp đỡ người thân. Tuy nhiên, từ thực tế có thể thấy, "thiên đường" phía trước chưa rõ ra sao nhưng lại xuất hiện quá nhiều cạm bẫy. Đó là cảnh sống không hạnh phúc, bị bóc lột lao động, lạm dụng tình dục, đối xử tàn nhẫn, thậm chí bị bán vào các ổ buôn người… Tệ hơn khi đã xảy ra không ít vụ việc đau lòng mà chuyện cô gái trẻ ôm hai con nhảy lầu tự tử mới đây tại Hàn Quốc là một ví dụ minh chứng.
Lại có những cô gái biện minh cho việc lấy chồng nước ngoài của mình (không vì tình yêu) là thể hiện sự tự tin hoặc "phẩm chất" đảm đang của bản thân. Xin không bàn tới vấn đề trình độ vì người ta đã thống kê đa số các trường hợp lấy chồng nước ngoài đều có trình độ văn hóa thấp, không có việc làm, sống trong những gia đình đông con, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… Tuy nhiên, ở đây có sự nhầm lẫn, lệch chuẩn về phẩm chất tự tin và đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Người tự tin là người tin tưởng vào năng lực bản thân, tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của mình, điểm nào là lợi thế, điểm nào là hạn chế; tức là có sự tự tin đúng mức dựa trên thực tế cũng như năng lực bản thân. Chìa khóa để có được sự tự tin chính là lòng tự trọng, sự hiểu biết, ý thức về bản thân; từ đó luôn khao khát học hỏi vươn lên, nâng cao giá trị của mình, xem đây là cơ sở cho sự tự tin của bản thân. Còn biểu hiện rõ nhất của phẩm chất đảm đang ở người phụ nữ chính là khả năng quán xuyến công việc gia đình đồng thời biết tổ chức, sắp xếp hài hòa, hợp lý việc gia đình với việc xã hội. Thế nên mới có câu "giỏi việc nước, đảm việc nhà" chỉ người phụ nữ vừa thể hiện được thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình, vừa khẳng định được vị thế của họ trong cộng đồng xã hội.
Mặt khác, khách quan mà nói, việc ở đây đó còn xuất hiện rầm rộ "phong trào" phụ nữ lấy chồng nước ngoài cho thấy chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể, trong đó đặc biệt là các cấp hội phụ nữ chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Tại từng phường, xã, khu phố, thôn, xóm chúng ta đều có đầy đủ hệ thống chính trị ở cơ sở. Không lẽ những công bộc của dân không biết chuyện gì đang xảy ra ở địa phương? Hay họ không có trách nhiệm trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng? Và cuối cùng, những "khoảng trống" về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước của các ngành chức năng cần được nhanh chóng lấp đầy, tránh những khe hở trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, đồng thời đó chính là những "lỗ hổng" các đối tượng vi phạm pháp luật lợi dụng hoạt động.
Những chuyện đau lòng về tình trạng lấy chồng ngoại quốc không vì tình yêu đang diễn ra ngày càng nhiều. Những "trào lưu" không đáng có ở một số nơi như phong trào lấy chồng nước ngoài không vì tình yêu, dẫn đến việc chị em lỡ chân rồi mới nhận ra "thiên đường" là ảo trong khi phải đối mặt với vô vàn cạm bẫy, vẫn tiếp tục diễn ra. Muốn hạn chế những bi kịch như vậy không chỉ hô hào "chị em phải tự ý thức” mà các cơ quan hữu quan phải ráo riết vào cuộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.