Ngày 12/4, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó quy định thi tuyển viên chức có 4 môn: kiến thức chung; chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành; ngoại ngữ và tin học văn phòng.
Nghị định quy định, người dự thi tuyển viên chức phải thực hiện các bài thi sau: Thi kiến thức chung và thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Việc thi tin học văn phòng và ngoại ngữ đối với người dự thi tuyển viên chức thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu vị trí việc làm.
Trong đó, thi kiến thức chung gồm thi viết về pháp luật viên chức; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những hiểu biết cơ bản về ngành hoặc lĩnh vực tuyển dụng. Môn thi này được tính hệ số 1.
Thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành thông qua hình thức thi viết hoặc trắc nghiệm và thi thực hành. Phần thi viết hoặc trắc nghiệm tính hệ số 1 và phần thi thực hành tính hệ số 2.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định hình thức và nội dung thi phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc công nghệ thông tin, bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc công nghệ thông tin thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ hoặc thi tin học văn phòng.
Đối với thi ngoại ngữ, thi 1 trong 5 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm. Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc ít người, việc thi ngoại ngữ được thay thế bằng thi tiếng dân tộc ít người.
Về thi tin học văn phòng, sẽ thi thực hành trên máy hoặc thi trắc nghiệm theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
Bài thi được chấm theo thang điểm 100.
Kết quả thi là tổng số điểm của bài thi kiến thức chung và các bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Trường hợp người dự tuyển thi ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc ít người, thi tin học văn phòng, kết quả các bài thi này là điểm điều kiện và không tính vào tổng số điểm thi, trừ trường hợp ngoại ngữ và công nghệ thông tin là phần thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành.
Nghị định quy định điều kiện miễn thi một số môn.
Người trúng tuyển lấy theo thứ tự kết quả thi từ cao xuống thấp
Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức phải tham dự đủ các đủ các bài thi quy định, mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên và được xác định theo nguyên tắc: Người trúng tuyển có kết quả thi cao hơn, lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả thi bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có tổng số điểm các bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển; nếu tổng số điểm các bài thi chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; thương binh; người hưởng chính sách như thương binh; con liệt sĩ; con thương binh; con của người hưởng chính sách như thương binh; người dân tộc ít người; đội viên thanh niên xung phong; đội viên tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; người hoàn thành nghĩa vụ quân sự; người dự tuyển là nữ.
Trường hợp vẫn không xác định được người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên nêu trên thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức trực tiếp phỏng vấn và quyết định người trúng tuyển.
Không thực hiện việc bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
Xét tuyển viên chức trên kết quả học tập và kiểm tra, sát hạch
Bên cạnh nội dung thi tuyển viên chức, Nghị định cũng quy định cụ thể việc xét tuyển viên chức với 2 nội dung.
Thứ nhất, xét kết quả học tập bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển.
Thứ hai, kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.
Nghị định này có hiệu lực từ 1/6/2012. Việc quản lý đối với những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được áp dụng các quy định tại Nghị định này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.