Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường xuất khẩu lao động lại “khát”

Bảo Chân| 19/08/2010 07:10

(HNM) - Chỉ tính riêng trong tháng 6 và 7, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã có gần 800 đơn hàng được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH thẩm định với số lượng chỉ tiêu tuyển dụng lên đến hơn 10.000 lao động.

Từ đầu năm 2010, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhận được nhiều đơn hàng chất lượng, với những cam kết bảo đảm việc làm và thu nhập từ phía đối tác. Số lượng đơn hàng nhiều với số lượng lao động lớn nên phải đến tháng 6 và 7 các doanh nghiệp mới đạt được những thỏa thuận nhất định.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, tổng số lao động đưa đi từ đầu năm tới nay là 37.068 người, trong đó riêng tháng 6 là 7.493 người. Một số thị trường tiếp nhận lao động lớn như Đài Loan (12.939 người), UAE (4.416 người), Libya (3.032 người), Lào (2.840 người), Malaysia (2.511 người), Nhật Bản (2.475 người), Macao (1.693 người), Hàn Quốc (1.476 người), A rập Xê út (1.465 người), Campuchia (1.387 người), Bahrain (1.204 người). Hiện thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đang được người lao động lựa chọn nhiều bởi thị trường này không quá kén chọn lao động, không cần tay nghề cao, chi phí thấp, mức thu nhập khá phù hợp cho lao động nông thôn. Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai với khoảng 80.000 lao động đang làm việc tại đây.

Công nhân Việt Nam làm việc tại một doanh nghiệp ở Nhật Bản.

Ông Tống Hải Nam, Trưởng phòng Thị trường lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thị trường Đài Loan hiện là một thị trường hấp dẫn vì thu nhập khá với mức lương cơ bản 17.280 Đài tệ - khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, Đài Loan có số lượng hồ sơ xin thẩm định tiếp nhận lao động Việt Nam lớn nhất. Chỉ tính riêng trong tháng 7 đã có 1.426 bộ hồ sơ với số lượng 3.489 lao động, tăng 119 bộ so với tháng 6. Trong đó có 826 bộ hồ sơ (với 2.889 lao động) được các công ty Đài Loan đăng ký tiếp nhận lao động Việt Nam thông qua 47 công ty Việt Nam và 600 hồ sơ theo hình thức tuyển dụng trực tiếp. Ngoài Đài Loan, Trung Đông cũng là một trong những thị trường trọng điểm đưa lao động đi trong những năm tới. Các nước Trung Đông như UAE, A rập Xê út đang có nhu cầu tiếp nhận lao động rất lớn. Vừa qua, Quatar cũng đã nới lỏng việc hạn chế cấp visa cho lao động Việt Nam, do vậy, nếu xúc tiến lại thì thị trường này cũng sẽ rất triển vọng. Bên cạnh đó, nhu cầu lao động ở thị trường này gia tăng trở lại, những thay đổi trong chính sách của Chính phủ Malaysia có lợi cho NLĐ nước ngoài tạo ra những tín hiệu lạc quan cho thị trường này. Một con số thống kê khác cho thấy, chỉ tính riêng tháng 6 và tháng 7, đã có gần 800 đơn hàng được thẩm định với số lượng chỉ tiêu tuyển dụng lên đến hơn 10.000 lao động. Điều đó cũng có nghĩa, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp XKLĐ sẽ rất vất vả trong việc tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động để cung ứng cho những đơn hàng này.

Nhận định về tình hình xuất khẩu lao động đến cuối năm, ông Tống Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Châu Hưng cho rằng, thị trường XKLĐ năm 2010 sau thời kỳ khủng hoảng đang phục hồi nhanh. Nhiều NLĐ sau khi kết thúc hợp đồng về nước đã quay trở lại công ty đề nghị được làm thủ tục quay lại các thị trường Malaysia, Brunei. Hiện Công ty Châu Hưng đang có nhiều đơn hàng lớn, yêu cầu cung ứng lao động tới các thị trường Brunei và Trung Đông với số lượng lên đến hàng nghìn người. Đây là những thị trường có nhu cầu tiếp nhận lao động lớn với yêu cầu đơn giản, không cần trình độ ngoại ngữ và tay nghề cao, thu nhập bình quân đạt khoảng 4-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Châu Hưng còn có nhu cầu tuyển không hạn chế lao động sang làm việc tại Malaysia. Người lao động sẽ làm việc tại các nhà máy cơ khí, may, sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, trang trí nội thất, sản xuất ly thủy tinh, găng tay và lắp ráp điện tử cung ứng cho các nhà máy điện tử lớn như JST, Panasonic, Kyocera - Sanyo, Sony, Renesas... với điều kiện ăn ở, sinh hoạt rất tốt, thu nhập bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Theo nhận định của ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), việc các doanh nghiệp tiếp nhận ngày một nhiều các đơn hàng tuyển dụng lao động có chất lượng, thu nhập khá là tín hiệu tích cực. Đặc biệt, đã có nhiều đơn hàng có chất lượng cao từ một số nước có thu nhập cao như Australia, New Zealand, Canada, Thụy Điển cũng như các hợp đồng nhận lao động thời vụ tại các nước châu Âu… Đây là những thị trường thí điểm với số lượng chưa lớn nhưng sẽ có thêm nhiều cơ hội cho lao động khi thị trường đã được khai thông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người lao động vẫn cần thận trọng trong việc lựa chọn thị trường, đối tác, đơn hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường xuất khẩu lao động lại “khát”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.