Sau thời gian dài trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần “ấm” với số lượng trái phiếu phát hành được cải thiện. Để thị trường sôi động trở lại, yếu tố quan trọng là nền kinh tế hồi phục nhanh.
Ổn định trở lại
Từ nửa đầu năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào cảnh trầm lắng. Một trong những nguyên nhân là ảnh hưởng từ những vụ việc vi phạm pháp luật khiến nhà đầu tư mất niềm tin.
Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5-3-2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái tích cực giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong tháng 8-2023 (tính đến ngày 18-8), đã có 6 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 5.100 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 109.028 tỷ đồng, trong đó có 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 15,11% tổng giá trị phát hành). Còn kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 60.300 tỷ đồng.
Mua lại là hoạt động quan trọng trong việc tái cơ cấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị trái phiếu được doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm 2023 đạt 149.924 tỷ đồng (tăng 71,3% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm dẫn đầu, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect cho hay, đến ngày 26-6, đã có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 42.000 tỷ đồng.
Tín hiệu vui là sau 1 tháng đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 23.328.110 trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 5.764,9 tỷ đồng. Dù chưa tác động rõ nét đến thị trường, nhưng giới chuyên gia tin rằng thị trường trái phiếu sẽ sáng hơn với việc giao dịch minh bạch hơn, độ rủi ro thấp hơn.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ổn định trở lại nhưng chưa phục hồi, do nền kinh tế còn khó khăn. Bên cạnh đó, cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên tục giảm do theo quy định, từ năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư một số sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân rất thận trọng, trong khi doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ quan ngại việc kiểm tra nên lựa chọn phương thức vay vốn khác.
Doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng
Cùng quan điểm, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, so với năm 2022, nhà đầu tư không còn khủng hoảng tâm lý. Lượng phát hành trái phiếu đã được cải thiện, song phát hành trái phiếu chưa sôi động do nền kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vốn.
Trong khi đó, áp lực đáo hạn từ nay đến cuối năm rất lớn. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 122.732 tỷ đồng. Trong số trên, nhóm bất động sản chiếm lớn nhất với gần 59.926 tỷ đồng (48,8% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn). Tiếp đến là nhóm ngân hàng với 24.010 tỷ đồng (chiếm 19,56%).
Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến ngày 26-7 có 65 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 172.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.
Có thể thấy, ngoài việc khôi phục niềm tin, điều quan trọng để thị trường trái phiếu phục hồi, thanh khoản tốt là nền kinh tế hồi phục. Đáng mừng là Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10, Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã được bổ sung theo Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN về việc cấm cho vay một số lĩnh vực.
Ông Nguyễn Thế Minh phân tích, Thông tư số 10/2023/TT-NHNN sẽ gỡ nút thắt tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như người dân. Tín dụng “chảy” vào thị trường bất động sản sẽ có tác động tích cực đến thị trường trái phiếu.
Tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, Nhà nước tạo cơ chế xử lý bằng biện pháp kinh tế, tuân thủ quy luật thị trường, quy định pháp luật; khuyến khích doanh nghiệp - nhà đầu tư thỏa thuận phương án thanh toán trái phiếu trong trường hợp không thể thanh toán đúng hạn trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng với trái phiếu đã phát hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.