Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường thép Việt Nam: Bất ổn sản xuất, lưu thông

Mai Thanh| 31/05/2010 06:34

(HNM) - Sau đợt tăng "nóng", giá thép tại Hà Nội giảm mạnh từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/tấn. Như vậy, trong thời gian gần đây (từ năm 2008 đến cuối tháng 5-2010), sự "trồi, sụt" thất thường của giá thép đã làm đau đầu các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế. Bình ổn giá nói chung và giá thép nói riêng luôn là những bài toán khó. Hệ lụy từ việc đầu tư ào ạt


Hơn một tuần nay, nhiều cửa hàng bán lẻ trên đường Láng, Trường Chinh và Đê La Thành (Hà Nội) rất ít khách hỏi mua. Giá thành đã giảm 10-20% so với thời điểm đầu năm, lượng bán ra cũng giảm 30-35%. Anh Hải Anh, chủ một công trình xây dựng, sau hai ngày khảo sát giá cũng thấy "choáng" vì mỗi cửa hàng có một mức bán khác nhau, chênh 100.000-200.000 đồng/tấn. Cách đây một tuần, anh mua thép với giá 14 triệu đồng/tấn, đến hôm nay chỉ còn 13,5 triệu đồng/tấn. Được biết, tháng 4, lượng tiêu thụ giảm 270.000 tấn so với tháng 3, đạt khoảng 300.000 tấn. Mức tiêu thụ của hàng loạt thương hiệu lớn đều giảm 35-60% (thép Thái Nguyên chỉ bán được khoảng 28.000 tấn, giảm tới 60% so với tháng 3; thép Việt Úc chỉ bán được có 11.000 tấn, giảm 45% so với tháng trước).

Xuất xưởng thép thỏi ở Nhà máy Thép Thủ Đức. Ảnh: TTXVN

Sự "trồi, sụt" của giá thép trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đầu tư tràn lan dẫn tới dư thừa công suất chế biến thép mà Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã cảnh báo. Đặc biệt, các dự án thép của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư trong nước đăng ký và triển khai ồ ạt. Ngoại trừ một số dự án FDI đầu tư bài bản, từ luyện phôi (bằng phế liệu thép, hoặc quặng sắt) đến ra thành phẩm, các dự án của DN trong nước hầu hết chỉ đầu tư ở khâu nhập phôi cán ra thành phẩm. Và đây thật sự là vấn đề đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, việc đầu tư rất manh mún, công suất nhỏ, nhập khẩu chủ yếu công nghệ cũ mà nhiều nước trên thế giới đã thải loại, nên sản phẩm thép sản xuất ra giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh. Không chỉ đầu tư công nghệ lạc hậu, việc đầu tư không theo quy hoạch cũng góp phần làm sản phẩm thép đội chi phí. Việc xây dựng một dự án thép phải tính đến sự đồng bộ của hạ tầng như giao thông - vận tải và thị trường tiêu thụ; các nguyên liệu đầu vào và nếu không tính toán đủ các điều kiện trên, giá thành sản phẩm sẽ cao…

Theo kế hoạch của ngành thép, năm 2010 và giai đoạn 2010-2015, công suất cán thép sẽ được bổ sung thêm 2,2 triệu tấn, nâng tổng công suất hiện có lên hơn 7 triệu tấn thép xây dựng. So với mức tiêu thụ thép xây dựng khoảng 4 triệu tấn sẽ dẫn đến tình trạng thừa thép. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn đầu tư cán thép, bỏ ngoài tai các khuyến nghị về tình trạng dư thừa. VAS cho biết, mặc dù các nhà đầu tư vào sản xuất thép tại Việt Nam đều cam kết sẽ xuất khẩu sản phẩm, nhưng thực tế cho thấy việc xuất khẩu thép không dễ. Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2010, thị trường thép châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và chưa thể trở lại như bình thường. Nhiều thị trường của Tổng Công ty Thép Việt Nam ở nước ngoài phải chấp nhận bán sản phẩm hòa vốn để giữ thị phần. Còn việc xuất khẩu thép cán nguội sang thị trường Hoa Kỳ dù đã thực hiện hơn 2 năm, nhưng vẫn chỉ là thăm dò.

Sản xuất, lưu thông: đều phải chấn chỉnh

Để tháo gỡ các bất cập trên, theo nhiều chuyên gia, trước hết là tháo gỡ từ hệ thống sản xuất. Việc đầu tư dự án thép phải theo quy hoạch, với công nghệ mới và công suất lớn. Như vậy, dự án mới đạt hiệu quả và sản phẩm có sức cạnh tranh. Việc đầu tư cũng nên cân đối từ việc luyện phôi đến cán ra thành phẩm. Nếu đầu tư đúng, đủ sẽ bảo đảm giá thép được bình ổn trong thời gian nhất định (1-2 năm). Bởi, các nhà máy luyện phôi phải cân đối lượng quặng nhập dự trữ trước, đủ sản xuất trong thời gian 3-5 năm. Giá quặng ổn định sẽ có giá phôi ổn định và giá thành phẩm ổn định, đồng thời giải quyết tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay.

Sản xuất phôi thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát - Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, cần tạo sự minh bạch cho thị trường thép. Chẳng hạn, việc mua - bán nên thực hiện theo phương thức giao dịch điện tử để từ đó xóa bỏ tình trạng gửi giá. Được biết, các DN sản xuất thép hưởng lợi không nhiều, nhưng việc mua - bán thép phải qua quá nhiều khâu, khiến giá bị đẩy lên cao. Nhà sản xuất không thích bán sản phẩm trực tiếp cho công trình vì sợ bị trả chậm, bởi công trình có vốn từ ngân sách thường giải ngân chậm, khi đó họ không gánh nổi lãi suất vay vốn. Do đó, các nhà sản xuất chọn giải pháp giảm lãi bằng chiết khấu để bán cho các tổng đại lý lấy tiền mặt. Về phía các công trình cũng không muốn mua hàng trực tiếp của nhà máy vì khó "gửi giá". Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, để mặt hàng thép trên thị trường không bị đẩy giá lên qua các khâu trung gian, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các nhà máy thép cần phải tổ chức khâu bán hàng hiệu quả. Mặt hàng thép phải được bán đến "chân" các công trình xây dựng, theo nhu cầu sử dụng; ngoài việc bán buôn, các nhà máy cần tăng cường hệ thống bán lẻ cho người tiêu dùng.

Mặc dù Bộ Công thương đã có riêng văn bản về hệ thống phân phối mặt hàng thép, song cần phải có cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn để kiểm soát các hệ thống phân phối đại lý thép. Nếu thép cứ mua đứt, bán đoạn như hiện nay sẽ rất khó kiểm soát. Đây là vấn đề nan giải của ngành thép và nếu cứ tiếp tục tình trạng này, việc bình ổn giá thép là bất khả thi.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường thép Việt Nam: Bất ổn sản xuất, lưu thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.