(HNM) - Với sự phục hồi tích cực, thị trường trong nước nửa đầu năm 2022 đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Sức mua tăng trở lại là cơ sở để dự báo hoạt động thương mại, dịch vụ nội địa từ nay đến cuối năm sẽ sôi động hơn nữa, góp phần tạo đà, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022.
Điểm tựa cho sản xuất, kinh doanh
Bộ Công Thương nhận định, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Trong đó, quy mô và dung lượng thị trường liên tục gia tăng, đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo Cục Thống kê Hà Nội, 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 396,9 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 255,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng mức và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kết quả trên cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế cũng như các giải pháp kích cầu tiêu dùng đã phát huy hiệu quả, với điểm nhấn là các chương trình khuyến mại tập trung, liên kết tiêu thụ vùng, xúc tiến thương mại… được triển khai đồng bộ ở các địa phương. Trong khi đó, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2022 gồm chuỗi các hoạt động phong phú, góp phần kết nối sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện tại, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, điểm bán lẻ… đều hoạt động sôi động. Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (quản lý, vận hàng chuỗi siêu thị MM Mega Market) Trần Kim Nga cho biết: “Sức mua của người tiêu dùng tại hệ thống siêu thị MM Mega Market thời gian qua tăng khoảng 20%. Sự tăng trưởng này đến từ việc đa dạng các mặt hàng cùng với những chương trình ưu đãi, khuyến mại hỗ trợ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khai trương các trung tâm giao hàng mới để bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng”.
Còn đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce (quản lý, vận hành chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart/WinMart+) đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thị trường bán lẻ ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Với hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc, WinMart/ WinMart+ đang triển khai các chương trình khuyến mại khi giá cả thị trường có nhiều biến động. Đáng chú ý, các sản phẩm nhãn hàng riêng như WinMart Home, WinMart Good, WinMart Cook… có giá rẻ hơn 10-20%.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng cuối năm
Bộ Công Thương dự báo, nửa cuối năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát gia tăng, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải…, từ đó tiếp tục tác động mạnh đến thị trường hàng hóa trong nước. Do vậy, trong những tháng cuối năm 2022, ngành Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, ngăn chặn việc găm hàng, đầu cơ, thao túng giá… Đặc biệt, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 sẽ được Bộ Công Thương tổ chức trên quy mô toàn quốc từ ngày 15-11 đến 22-12. Chương trình được kỳ vọng sẽ kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.
Về phía thành phố Hà Nội, trong những tháng cuối năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mại, xúc tiến tiêu dùng, như sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ 2022," “Hà Nội - Online xuống phố” gắn với ngày Black Friday, với các hình thức khuyến mại lên tới 100%. Trong tháng 11-2022, Tháng khuyến mại Hà Nội 2022 được tổ chức với khoảng 800-1.000 điểm khuyến mại, giảm giá lên tới 100%, cùng với đó là 17 chương trình kích cầu tiêu dùng…
Đại diện WinMart/WinMart cũng cho biết, để đón đầu mùa mua sắm cuối năm, thời điểm này, doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch cung ứng nhằm bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định. WinMart/WinMart+ luôn duy trì tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống đạt trên 90%, trong đó doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm hơn 30%. Do đó, WinMart/WinMart+ luôn bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa, đồng thời thúc đẩy sản xuất nội địa, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, thời điểm cuối năm tốc độ lưu chuyển hàng hóa được dự báo tăng cao. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, giá thành, tính toán nhu cầu thị trường nhằm đưa ra chủng loại hàng hóa phù hợp. Đồng thời cần kết hợp các phương thức bán hàng trực tiếp, trực tuyến nhằm đáp ứng thói quen mới của người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.